Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em
Công an tỉnh Hà Nam đã tạm giữ hình sự Nguyễn Trường Giang (26 tuổi, trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), để điều tra, làm rõ hành vi đánh đập bé trai 3 tuổi rồi cho vào tủ cấp đông. Bước đầu Giang khai nhận, khoảng 15 giờ 20 phút ngày 13/8, cháu N.H.Đ. (3 tuổi) sang quán trà sữa của Giang chơi và có ăn uống tại quán. Tại đây, Giang đã có hành vi bạo hành cháu bé, khi thấy nạn nhân nằm bất động, anh ta đã đặt cháu bé vào tủ cấp đông rồi bỏ đi. Cháu bé sau đó được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Nhi Trung ương và đã qua cơn nguy kịch.
Vừa qua, Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai vợ chồng Đoàn Diệu Linh (sinh năm 1996; trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Hoàng Thế Vũ (SN 1994; trú tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) về tội “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.Tr (sinh năm 2021; quê quán huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao...
Qua điều tra, sơ bộ xác định: Ngày 21/7, mẹ cháu Tr là chị Lê Thị Lan H (sinh năm 1994, quê quán huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) qua mạng xã hội đã biết và thuê Đoàn Diệu Linh trông cháu Tr với giá 3 triệu đồng/tháng tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, để đi làm công nhân tại Bắc Giang. Trong quá trình trông cháu Tr, do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Vũ đã dùng dây sạc điện thoại, que gỗ, búa nhựa, băng dính hành hạ cháu Tr. Đến ngày 26/7 thấy cháu Tr mệt mỏi, khó thở, hôn mê, Vũ và Linh đã đưa cháu đến bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Trước đó, sáng 5/8, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một bé gái không mặc quần áo, bị cha treo lên nhà đánh đập gây bức xúc dư luận. Qua xác minh của cơ quan công an, cháu bé trong đoạn clip là cháu N (sinh năm 2012, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Nguyên nhân cháu N. bị đánh được xác định, trước đó vào đêm 27/7, N ngủ qua đêm ở nhà bác nhưng không xin phép bố là Nguyễn Văn Thắng (34 tuổi). Bức xúc nên trưa ngày 28/7, Thắng đã bắt cháu N cởi hết quần áo, sau đó dùng áo quấn quanh cổ tay, rồi dùng dây thừng buộc bên ngoài, treo cháu lên xà nhà và dùng roi đánh vào mông cháu…
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Đã quá nhiều cảnh tỉnh, báo động về tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây. Luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng xâm hại, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Bạo hành trẻ em là những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần, biểu hiện qua các hành vi như đánh đập, chửi rủa, bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ em. Bất kể ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em dưới 18 tuổi kể cả cha mẹ, người trông nom hay bất kỳ một ai khác.
Tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại đến sức khỏe mà còn về cả tinh thần của trẻ em. Bạo lực thể chất là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác thông qua các hành vi như đánh, trói hoặc các hành động khác gây tổn thương cơ thể…
Theo các chuyên gia luật, thực trạng hành vi bạo lực trẻ em đang gia tăng do những chế tài đối với hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chưa có quy định chi tiết trong hoạt động giám sát và xử lý hành vi bạo lực với trẻ em. Do đó, đối với những vụ bạo hành trẻ cần phải xử lý mạnh tay. Cần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về quyền trẻ em và những hậu quả nghiêm trọng đối với những hành vi khiến trẻ em bị tổn thương. Cùng với đó, tăng cường cơ chế giám sát, hỗ trợ trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình. Đưa vào giáo dục các quyền trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em…