Liên tục tăng vẫn thấp
đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại cuộc thảo luận về cải cách chính sách tiền lương cho đối tượng này do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 26/9 và tại Hải Phòng trước đó.
Lương chỉ đủ mua lương thực
Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, mức LTT chung đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 3,952 lần, tăng thêm 295,2% cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ 15 tỉnh thành cho thấy, hơn 98% ý kiến cho rằng mức lương hiện quá thấp, mới đảm bảo 50% nhu cầu tối thiểu, chỉ đủ chi tiêu lương thực, chứ chưa đảm bảo các chi tiêu khác. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức LTT hằng tháng của công chức chỉ bằng 41,5% mức LTT của công nhân, người lao động chân tay giản đơn.
Theo đại diện của Bộ Tài chính, quĩ lương từ ngân sách cũng không ngừng mở rộng lên đến 200.000 tỉ đồng hàng năm. Con số này là khổng lồ, tương ứng với 30% trong tổng chi ngân sách, hay 60% chi thường xuyên từ ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, số lượng những người thuộc diện hưởng lương từ ngân sách cũng phát triển không ngừng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, lên đến gần 6,1 triệu người trong cả nước, làm cho việc cải cách tiền lương càng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho hay: Lương hiện nay thấp quá mức. Một cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học mà lương chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, không bằng lương của công nhân quét dọn. Tại sao lại như vậy? Mấu chốt ở cơ chế. Làm việc trong cơ quan nhà nước, lương như vậy thì làm sao cán bộ làm tốt nhiệm vụ được". Bà Hương cho rằng, tiền lương không phải là chi phí mà là đầu tư. Cán bộ vừa tốt nghiệp ĐH lương tối thiểu phải 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Mức lương của người giữ chức Vụ trưởng cần tăng lên mức 10 đến 15 triệu đồng/tháng... Trả lương với mức đủ sống như thế họ mới làm việc công tâm, tốt được.
Ba phương án cải tiến tiền lương
Để hướng tới lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ có kiến nghị nhiều biện pháp, trong đó có việc nâng mức LTT để CBCCVC đủ sống bằng lương; mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa cho phù hợp; ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới... Đề xuất đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác; đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán thu - chi (không vì mục đích lợi nhuận), trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, phát triển hoạt động để vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội, vừa tự cân đối nguồn thu. Những đề xuất này đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Ba phương án điều chỉnh lương tối thiểu cho cán bộ công chức cũng được đưa ra như: Tính tương đương với mức lương tối thiểu vùng I được áp dụng cho khối doanh nghiệp (2 triệu đồng/tháng); tính bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng doanh nghiệp; tính theo mức lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp mà tính toán trên cơ sở mức thu nhập và mức chi tiêu bình quân đầu người cả nước.