70 năm giải phóng Thủ đô

Liên tục thay “tướng”, tương lai nào cho cổ phiếu FLC?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục thay “tướng” trong thời gian ngắn cùng với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, tương lai của cổ phiếu FLC vẫn đang là dấu hỏi lớn với nhà đầu tư.

Ông Đặng Tất Thắng xin rút khỏi ban lãnh đạo FLC

Vào ngày 29/7, ông Đặng Tất Thắng, người tham gia xây dựng Bamboo Airways những ngày đầu, vừa xin thôi làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc của hãng cũng như vai trò Phó Chủ tịch FLC. Nguyên nhân ông Đặng Tất Thắng xin từ chức là vì lý do cá nhân, có nhiều công việc cần giải quyết nên không thể sắp xếp thực hiện các nhiệm vụ trên những cương vị hiện tại.

Ông Đặng Tất Thắng xin rút khỏi ban lãnh đạo FLC.
Ông Đặng Tất Thắng xin rút khỏi ban lãnh đạo FLC.

Ngay trong ngày 29/7, Bamboo Airways công bố quyết định thôi giữ vị trí Tổng Giám đốc kể từ ngày 27/7 đối với ông Đặng Tất Thắng. Tuy nhiên, hiện Bamboo Airways chưa công bố quyết định liên quan tới vị trí Chủ tịch của ông Thắng.

Được biết, ông Đặng Tất Thắng được bổ nhiệm làm Chủ tịch FLC và Bamboo Airways sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi cuối tháng 3. Ngày 2/7, Tập đoàn FLC tổ chức đại hội cổ đông bất thường và bầu bổ sung 3 người vào HĐQT gồm ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. Sau đó, ông Lê Bá Nguyên được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Thắng quay lại ghế Phó Chủ tịch từ ngày 2/7.

Như vậy, sau 27 ngày giữ chức Phó Chủ tịch lần thứ 2, ông Thắng đã xin từ nhiệm và rút khỏi ban lãnh đạo Tập đoàn FLC.

Cũng trong ngày 29/7, ông Đặng Tất Thắng đã thôi chức Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways sau gần 3 năm đảm nhiệm. Tân Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Mạnh Quân, người gia nhập Bamboo Airways từ năm 2020 và có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng không.

Trước đó, ông Thắng giữ vai trò Tổng Giám đốc Bamboo Airways từ năm thành lập hãng 2017, giúp hãng bay này đạt được nhiều thành tích và phát triển nhanh chóng.

Có thể thấy, sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt, từ tháng 4/2022 tới nay, nhân sự cấp cao của FLC và Bamboo Airways không ngừng biến động, nhiều thành viên HĐQT FLC có đơn xin từ nhiệm.

FLC tiếp tục báo lỗ

Về hoạt động của FLC, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm 2022.

Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, FLC ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như giá vốn đều giảm mạnh trong quý 2. Đáng chú ý, mức giảm giá vốn lên đến 75%, trong khi doanh thu chỉ giảm 50%. Nhờ vậy, việc kinh doanh trên giá vốn vẫn giúp công ty mẹ FLC ghi nhận lợi nhuận gộp gần 88 tỷ đồng.

Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết, FLC ghi nhận doanh thu bán hàng quý 2 trên 623 tỷ đồng, và nửa đầu năm trên 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 104 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với lợi nhuận gộp âm gần 149 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận này khó bù đắp được khoản lỗ từ việc đầu tư các đơn vị liên doanh, liên kết. Cụ thể, lỗ trong công ty liên doanh liên kết ghi nhận hơn 317 tỷ đồng trong quý 2 và 582 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Kết hợp với sự gia tăng của các loại chi phí, FLC tiếp tục báo lỗ sau thuế quý 2 hơn 640 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/6 là 1.105 tỷ đồng.

Cùng với những bất ổn trong công tác nhân sự cũng như tình hình kinh doanh, diễn biến của cổ phiếu FLC thời gian gần đây cũng không mấy khả quan. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, FLC đã mất tới hơn 50,6% giá trị. Có thời điểm FLC lùi về mốc 3.650 đồng/cổ phiếu. Hiện, thị giá của FLC tại phiên giao dịch ngày 29/7 là 5.430 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ có cổ phiếu FLC, các mã cổ phiếu cùng họ này (ROS, KLF, AMD, ART, HAI) cũng liên tục lao dốc trong thời gian qua. Dù hiện nay diễn biến nhóm cổ phiếu này đã khả quan hơn khi khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng tăng dần trở lại nhưng so với thời kỳ “hoàng kim” lúc ông Quyết còn điều hành thì vẫn là một khoảng cách khá lớn.

Tuy vậy, nếu so với các cổ phiếu khác thì thanh khoản của FLC vẫn ở mức cao (trung bình hơn 2 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên). Chính điều này khiến cho nhà đầu tư vẫn còn “níu kéo” chút hy vọng từ mã này. Dù so với thời kỳ đỉnh cao thì khó có thể quay lại nhưng nhiều chuyên gia vẫn đoán định rằng cổ phiếu FLC vẫn có khả năng hồi phục về mốc dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Được biết, hiện số lượng nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC cũng như những cổ phiếu có liên quan là không nhỏ.