Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội:

Liệu có hay không cái "bắt tay" câu kết trục lợi trong đại dịch Covid-19?

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/6, thảo luận tại Hội trường của Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đặt ra vấn đề cần làm rõ liệu có những cái “bắt tay” câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19 hay không?

Liệu có những cái “bắt tay” câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19?

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) khẳng định: Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games lần thứ 31 không chỉ là thành tích cao của Thể thao nước nhà mà còn chứng minh nước ta đang tự tin mở cửa du lịch khu vực và thế giới cũng như thích ứng với trạng thái bình thường mới. Chiến lược vaccine là một nhân tố quan trọng và hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid- 19.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum)
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum)

Trong chiến lược này, có hai điểm trọng tâm đáng chú ý là ngoại giao vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Những nỗ lực ngoại giao vaccine thông qua hoạt động các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và ngoại giao nhân dân đã thành công. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không đơn độc trước những thử thách của đại dịch, của hoàn cảnh, bất chấp những tranh chấp lịch sự khác biệt về thể chế chính trị, nước ta vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, bằng hữu với các quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ đường lối đối ngoại nói chung và đối ngoại vaccine nói riêng của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và chính xác, được cử tri và dư luận đánh giá cao thành công này. 

Điểm thứ hai là nghiên cứu sản xuất trong nước, ngay khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã chủ trương nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước để chủ động nguồn cung cấp phòng, chống dịch. Chủ trương đó là đúng và cần thiết và từ tháng 5/2020, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển thử nghiệm vaccine của Việt Nam và kỳ vọng đến cuối năm, cuối quý III năm 2021 sẽ có vaccine của Việt Nam để sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy có vaccine thương hiệu của Việt Nam.

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine ra sao, có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sản xuất như thế nào, triển vọng vaccine của Việt Nam ra sao vì trong quá trình tiếp xúc cử tri cho thấy, cử tri quan tâm đến vấn đề này. 

Ông Tô Văn Tám nêu, bất cứ một chính sách nào ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi, bởi vậy, khi ban hành các chính sách, nhất là các chính sách cấp bách, phòng, chống Covid-19, Quốc hội và Chính phủ cầ hết sức quan tâm để phòng, chống nguy cơ này.

"Rất tiếc, hành vi lợi dụng, trục lợi ở chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 đã xảy ra. Nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau, từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước đến các đối tượng bị tác động nặng của đại dịch Covid-19, các hoạt động nhân đạo, giải cứu lao động về nước mà báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri tới UB MTTQ Việt Nam đã phản ánh, đến các hoạt động mua bán, sản xuất các thiết bị phòng, chống dịch... khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình" - đại biểu Tô Văn Tám nêu. Những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh và họ đang phải đứng trước pháp luật để chịu sự phán xử nghiêm khắc, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo quản lý. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước, mà còn chứng minh rằng không có "vùng cấm" trong quá trình xử lý các sai phạm. 

"Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay câu kết những hành vi trục lợi này không, nếu có thì vì sao lại có những cái bắt tay câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19. Những vấn đề đó cần tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý các sai phạm trên"- đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh

Sau đại dịch, ngành y tế vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại chưa được tháo gỡ 

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh Bình Định) cho rằng dịch bệnh Covid-19 đang sang  giai đoạn thoái trào, đại biểu cho rằng cần theo dõi sát, phản ứng linh hoạt, trở lại trạng thái bình thường để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19; tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh Bình Định)
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh Bình Định)

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được.

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc của hệ thống y tế Việt Nam, đại biểu kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi trong kỳ này, thông qua tại kỳ tiếp theo.

Thứ hai, Chính phủ cần ban hành sớm các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng hệ thống y tế như khuyến nghị giảm cấp độ dịch như hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành.

Thứ ba, cần có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng, thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.

Cuối cùng, chia sẻ tâm tư với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị người bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong muốn các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải không chỉ về vật chất cần có sự cảm thông cả về tinh thần.