Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có khách quan trong lựa chọn sách giáo khoa?

Hà Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 5 bộ sách giáo khoa (SGK), có rất nhiều ý kiến lo ngại xung quanh những tiêu cực, thiếu khách quan trong việc chọn SGK. GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình SGK mới đã có những chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

 Giờ học của cô và trò trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì. Ảnh: Công Hùng

Lo ngại
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định các trường phổ thông chọn SGK là đúng đắn, phù hợp với Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội. Đặc biệt, việc Bộ GD&ĐT chính thức phá vỡ thế độc quyền với duy nhất 1 bộ SGK dùng chung cho cả nước cho thấy sự thay đổi đáng kể trong giáo dục phổ thông. Theo đó, năm học tới (2020 - 2021), các cơ sở giáo dục được phân quyền lựa chọn bộ SGK phù hợp với đặc thù của địa phương, cơ sở.
Theo quy định của Luật Xuất bản, NXB sẽ phải chịu sự điều chỉnh của đạo luật này về hoạt động xuất bản và các hành vi liên quan. Tuy nhiên, không có điều luật nào cho phép các NXB trả thù lao cho giám đốc sở GD&ĐT trong việc chỉ đạo biên soạn SGK.

Bàn về câu chuyện chọn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Nghị quyết 88 giao các trường chọn sách là đúng. Ví dụ, hiện có 5 bộ SGK lớp 1. Các bộ sách này có một điểm chung là đều đạt chuẩn sàn, nghĩa là đạt chuẩn cơ bản, còn sự phù hợp cụ thể đến đâu thì chỉ các cơ sở giáo dục, các thầy cô đứng lớp mới hiểu thấu và lựa chọn chính xác được”.
Dù rất đồng tình với chủ trương để các trường phổ thông làm chủ trong việc lựa chọn SGK nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết tỏ vẻ hoài nghi tính dân chủ trong quá trình lựa chọn SGK. GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Giao các trường chọn SGK là chuẩn nhất, sát thực tiễn nhất. Nhưng làm thế nào để việc lựa chọn được dân chủ mới đáng bàn. Trên thực tế, lâu nay, việc mua sắm thiết bị, sách vở kể cả mua sách tham khảo vẫn có nếp chỉ đạo từ cấp trên, hầu như không có trường nào dám trái ý kiến chỉ đạo, kể cả chỉ đạo miệng. Lo ngại này là có cơ sở, đặc biệt khi có thông tin một nhà xuất bản (NXB) to trả lương cho lãnh đạo và chuyên viên sở GD&ĐT một TP lớn. Nếu vậy thì thật khó nói đến chuyện khách quan được”.
Cần hài hòa giữa Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục
Tiếp tục đưa ra những đóng góp cho việc xây dựng Thông tư hướng dẫn việc chọn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết “hiến kế”: “Thông tư cần có tầm nhìn xa, kết hợp hài hòa các quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội (đang có hiệu lực) và quy định của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Nghị quyết 88 quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ SGK trong các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng. Còn Luật Giáo dục quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK”.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, như vậy, trong một câu chuyện lựa chọn SGK có 2 chế định thoạt nhìn có vẻ khác nhau: Một văn bản giao quyền cho cơ sở giáo dục, một văn bản giao quyền cho chính quyền địa phương. “Nhưng, chúng ta cần lưu ý, Luật Giáo dục quy định chính quyền cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, không phải là quyết định lựa chọn những quyển SGK cụ thể. Như vậy, Thông tư của Bộ GD&ĐT nên xác định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK của cơ sở sao cho minh bạch, dân chủ, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật. Thông tư phải có tính dài hơi hơn, chứ không thể chỉ có giá trị một năm, rồi từ năm học 2021 – 2022 lại ban hành thông tư mới” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Liên quan đến nội dung lựa chọn SGK, gần đây, nhiều giáo viên đã thắc mắc về kinh phí mua SGK mới để nghiên cứu, thực hiện quyền lựa chọn, bởi nếu mua đủ bộ sách sẽ khá tốn kém. Đơn cử như trường hợp ở TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường tự mua sách để trang bị cho tủ sách, giúp các giáo viên tiếp cận SGK mới.
Chưa rõ Thông tư sắp tới sẽ quy định ra sao và kinh phí thư viện trường học có đáp ứng được yêu cầu mua đủ SGK mới không, nhưng theo nhận định của Tổng chủ biên Chương trình SGK mới, việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ giải quyết được vấn đề này. “Tốt nhất, theo tôi nên thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công bố chế bản SGK lên mạng internet. Khi đưa lên mạng, giáo viên và người dân trên toàn quốc sẽ có điều kiện nghiên cứu, góp ý lựa chọn. Như vậy vừa tiết giảm chi phí mua sách, vừa bảo đảm dân chủ. Có người nói đưa chế bản SGK lên mạng sẽ bị in lậu. Nhưng công nghệ thông tin hoàn toàn có thể giải quyết được chuyện này”.