70 năm giải phóng Thủ đô

Liệu có thực hiện nghiêm túc?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng, kể từ ngày mai, 1/4/2014, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) từ chối tiếp nhận các xe chở rác không đủ điều kiện vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Đây được xem là "nút thắt" tháo gỡ những bất cập trước tình trạng tùy tiện trong sử dụng phương tiện vận chuyển rác hiện nay của một số doanh nghiệp (DN) gây hư hỏng đường và mất vệ sinh môi trường.   

Ô nhiễm từ xe chở rác không đạt chuẩn

Giữa năm 2013, hàng trăm hộ dân thôn Hoa Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và URENCO yêu cầu không cho các xe ô tô chở rác không có thiết bị che đậy kín, gây rơi vãi rác thải, nước rỉ rác ra đường, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Ông Lê Văn Hưng - Trưởng thôn Hoa Sơn (xã Nam Sơn) bức xúc cho biết, đường 35 là tuyến vận chuyển rác thải chủ yếu từ nội đô tới Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Do mặt đường hẹp và dù mới được tu sửa nhưng theo kiểu "da báo" nên tình trạng rác thải từ các xe chuyên chở rơi vãi ra đường rất phổ biến. Bên cạnh đó, do không được che đậy kín nên nước rỉ rác chảy ra đường, khi xe rửa đường làm công tác tẩy rửa đã khiến nước chảy tràn vào ven nhà dân. Ngày mưa thì nhớp nháp, ngày nắng thì bốc mùi hôi tanh. Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây phải sống chung với tình trạng ô nhiễm mà không biết kêu ai. Rất nhiều người dân trong thôn, đặc biệt là sống dọc đường 35 bị mắc các bệnh về hô hấp, đau đầu,…  

 
Giấy đăng ký của xe chở rác không đạt chuẩn ghi rõ là xe tải chở vật liệu xây dựng. Ảnh: Thành Tiến
Giấy đăng ký của xe chở rác không đạt chuẩn ghi rõ là xe tải chở vật liệu xây dựng. Ảnh: Thành Tiến
Ngày 29/3, theo quan sát của chúng tôi, các phương tiện vận chuyển rác không đạt chuẩn đều che đậy phía trên rất sơ sài. Trong số 8 xe được kiểm tra, có 4 xe có phần bên dưới không được lót khiến nước rỉ rác chảy ra đường, bốc mùi hôi tanh. Ông Hoàng Văn Đắc - Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn cho biết, các phương tiện vận chuyển rác thải vào khu xử lý phải đảm bảo các quy định như: Thùng kín - khít, có hệ thống cuốn ép, nén rác, có máng  thu chứa nước rác, thùng chứa có gioăng che kín… Tuy nhiên, hiện vẫn còn tổng cộng 50 xe không đạt chuẩn thuộc quản lý của 5 DN: Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông (10 xe), Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long (12 xe), HTX Thành Công (19 xe), Xí nghiệp Môi trường đô thị Xuân Mai (6 xe), và Công ty CP Đầu tư và Phát triển rau sạch sông Hồng (3 xe). Trung bình mỗi xe vận chuyển khoảng 2 lượt/ngày với tổng khối lượng lên tới hàng ngàn tấn rác thải các loại.

Coi trọng công tác quản lý, giám sát

Trên thực tế, việc 5 DN kể trên sử dụng các loại xe tải, xe Hooklift để chuyển chở rác thải không chỉ làm phát sinh các vấn đề về môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Nhiều người thậm chí còn đặt nghi vấn, liệu các DN này có đang trục lợi từ việc thuê xe chuyên chở với khối lượng lớn nhằm giảm chi phí vận chuyển? Và ngân sách đầu tư, hỗ trợ của TP trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải có được sử dụng đúng mục đích hay không?

Ông Vũ Cường - Phó Tổng giám đốc URENCO cho biết, để đảm bảo tính công khai và lợi ích của các đơn vị vận chuyển rác thải, cuối năm 2013, URENCO đã tổ chức họp với các đơn vị kinh doanh liên quan và 27/27 đơn vị ký cam kết về việc nghiêm túc thực hiện các quy định đối với xe chuyên dùng, vận chuyển rác. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện "hoán cải" một số đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Thực hiện công văn chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 1/4/2014, URENCO sẽ phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Ban QLDA Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) quản lý chặt các phương tiện không đạt chuẩn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích của DN, nhất là hạn chế tối đa ảnh hưởng từ quá trình vận chuyển tới cuộc sống người dân.   

    Việc ngăn cấm các phương tiện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường vận chuyển rác thải vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân trong vùng chịu ảnh hưởng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các DN đang kinh doanh trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Chủ trương đã có, điều cần thiết hiện nay là sự nghiêm túc trong thực hiện. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các ban, ngành liên quan, sự ủng hộ của các DN, đặc biệt là công tác quản lý giám sát của Sở Xây dựng và Sở TN&MT Hà Nội.