Với người dân Hà Nội, trận mưa này được xem là "kỷ lục" trong nhiều năm gần đây. Nước ngập nhiều nơi khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Đã có không ít ý kiến phân tích nhằm xác định nguyên nhân xảy ra tình trạng cứ mưa là ngập của Hà Nội, trong đó chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh khiến hệ thống thoát nước của TP quá tải.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mặc dù công tác thoát nước khu vực nội đô - từ sông Tô Lịch trở vào của Hà Nội với việc hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn I và II đã được cải thiện rõ nét, nhưng để giải quyết triệt để bài toán chống úng ngập cho TP thì cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ theo Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và đó tất nhiên là một câu chuyện dài.
Điều đó cũng có nghĩa là các đơn vị chức năng, mà trước hết là Công ty Thoát nước với hàng nghìn người lao động vẫn phải gồng mình, áp dụng các biện pháp tình thế như bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy bơm, nạo vét, hút bùn tại các cống, kênh, mương, làm thông thoáng hệ thống thoát nước... để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả úng ngập do những cơn mưa lớn gây ra.
Trở lại cơn mưa chiều 29/5, biến nhiều đường phố Hà Nội thành những con sông nhỏ mà trên đó xe máy, ô tô, người tham gia giao thông…vật lộn với dòng nước. Ngay lập tức, trên mạng xã hội và cả truyền thông xuất hiện những hình ảnh về “ Hà lội”.
Có một điều đáng suy nghĩ, thậm chí đáng buồn là những thông tin, hình ảnh về cơn mưa và tình trạng ngập úng trên các con phố ấy hầu như được lan truyền bởi những tác giả đặt mình trong tư cách người ngoài cuộc. Và tất nhiên, theo họ người có lỗi là chính quyền các cấp, trước hết là Công ty Thoát nước với hàng nghìn người lao động chưa làm tròn trách nhiệm.
Điều đó có thể đúng, nhưng xem ra chưa đủ. Theo phân tích của các chuyên gia, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật của TP hiện tại dù chính quyền và cơ quan chức năng các cấp có cố gắng đến bao nhiêu, nguy cơ lụt, ngập vẫn là có thể xảy ra, đặc biệt là với các trận mưa lớn như chiều 29/5 vừa qua.
Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu những nguy cơ úng ngập đó. Có thể thấy một trong những câu trả lời đến từ hình ảnh dòng nước cuốn theo cả những túi rác trôi nổi, thậm chí cả một đám rác trong thời điểm những con phố biến thành sông.
Đáng nói là những đám rác đó đa phần có xuất xứ từ những bãi rác tự phát, lưu cữu không khó thấy trong TP. Và nếu để ý, sáng 30/5, nghĩa là qua một đêm, khi nước đã rút, hầu khắp các miệng hố ga thoát nước ít nhiều đều có rác đọng lại, thậm chí nhiều chỗ còn bị bùn, đất lấp kín.
Hiện tượng đó không chỉ ở những nơi đông dân cư, mà có thể thấy ở ngay cả những con đường đẹp quanh Hồ Tây như Nguyễn Đình Thi, Quảng An, Từ Hoa… nơi mật độ dân cư khá thưa, ít hàng quán. Chưa hết, những dòng nước tuôn ra từ các công trường đang thi công mang theo cả cát, sỏi, bùn đất. Tất cả đều trút xuống các miệng cống.
Với những hình ảnh ấy, liệu trong khi nói đến trách nhiệm của những người làm công việc thoát nước cho TP, mỗi chúng ta có nghĩ tới trách nhiệm của mình? Nói cách khác, liệu nhiều người dân TP, với thói quen xả rác, đổ phế thải xây dựng bừa bãi… có vô can trước cảnh hễ mưa là nhiều con đường của Hà Nội biến thành những dòng sông? Trả lời câu hỏi đó và thay đổi những thói quen tùy tiện nêu trên cũng là chung tay để giảm thiểu nguy cơ Hà Nội thành “Hà lội”, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến.