Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu cơm, gắm mắm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), không ít địa phương phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, quá chú trọng vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công, dẫn đến tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Thế nên hiện nay, nhiều công trình dở dang vì thiếu vốn, trong khi địa phương loay hoay với bài toán... trả nợ.

Nợ đọng tràn lan

Qua hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì đã triển khai 24 dự án đầu tư cơ bản với tổng mức đầu tư trên 190 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đã bố trí và giải ngân đến hết tháng 2/2013 được 86,1 tỷ đồng, trong đó TP cấp 26,4 tỷ đồng, huyện cấp 40 tỷ đồng và xã 19,7 tỷ đồng. Ông Trần Quốc Oai - Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, nhu cầu vốn còn thiếu của các dự án này khoảng 80 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho dự án Trung tâm văn hóa thể thao xã (trên 53 tỷ đồng). Đáng lưu ý, trong số 19,7 tỷ đồng của xã Đại Áng đã giải ngân, số tiền xã "vay" huyện tới 19 tỷ đồng.

Không chỉ xã Đại Áng, ngay cả xã điểm NTM T.Ư của Hà Nội là Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, hiện nay cũng đang nợ xây dựng cơ bản lên tới 51 tỷ đồng. Hoặc tại huyện Ba Vì, đến hết năm 2012, toàn huyện có 22 dự án bị nợ đọng vốn với tổng số tiền gần 110 tỷ đồng. Đến hết 20/5/2013, ngân sách huyện đã bố trí trả nợ cho 6 dự án với số tiền 30 tỷ đồng, số nợ xây dựng cơ bản còn lại chưa bố trí được gần 80 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án giao thông nông thôn, xây dựng trường học, thủy lợi...

Liệu cơm, gắm mắm - Ảnh 1

Xây dựng nông thôn tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trí. Ảnh: Quang Thiện

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát thực hiện Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21/4/2010 của HĐND TP về xây dựng NTM TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030 tại nhiều huyện, thị xã. Kết quả cho thấy, nguồn vốn xây dựng NTM còn thiếu, chưa bảo đảm cơ cấu vốn dự kiến cho từng nguồn và từng cấp ngân sách, chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước (chiếm 87,4%). Trong khi đó, vốn huy động đóng góp của người dân và doanh nghiệp rất thấp (chỉ chiếm 3 - 5%). Ngân sách cấp huyện và xã không đủ để ứng vốn theo đề án. Một số địa phương kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công dẫn đến nợ xây dựng cơ bản hoặc thi công kéo dài.

Phân chia rõ nguồn lực

Đến nay, toàn TP đã huy động tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP chiếm hơn 4.400 tỷ đồng, ngân sách huyện 6.600 tỷ đồng, ngân sách xã 318 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 646 tỷ đồng.

Theo Sở Tài chính, nguồn kinh phí xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 của toàn TP được HĐND TP thông qua 31.910 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 56%, còn lại các nguồn khác như doanh nghiệp, nhân dân đóng góp… Tuy nhiên, đến cấp huyện xây dựng đề án, tổng kinh phí đã tăng lên tới 92.242 tỷ đồng, trong đó cơ cấu ngân sách Nhà nước chiếm 68%. Và Đề án xây dựng NTM của 401 xã xây dựng kinh phí lại "đội" lên tới 107.267 tỷ đồng, trong đó cơ cấu ngân sách Nhà nước chiếm 72%. Như vậy, qua mỗi cấp duyệt thì không những tổng kinh phí tăng lên mà tỷ lệ ngân sách Nhà nước cũng tăng theo.

Cơ cấu nguồn ngân sách Nhà nước chiếm cao, trong khi nguồn lực khác không đảm bảo chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ công xây dựng cơ bản. Hơn nữa, TP đang có chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng nhưng không khống chế hạn mức nên có địa phương "tích cực" thi công dẫn đến nợ càng nhiều thêm. Để hạn chế tình trạng này, theo ông Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, việc hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng cần khống chế mức trần cụ thể. "Nếu không không chế, các địa phương ồ ạt mời doanh nghiệp vào ứng vốn thi công lên tới hàng trăm tỷ đồng. Lúc này, nếu TP trả hay không trả những khoản này cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp" - ông Việt nói.

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP đang chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, nhất là liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất và huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM. Trong bối cảnh này, các địa phương cần lựa chọn các dự án, hạng mục trọng điểm để đầu tư có hiệu quả, tránh nợ đọng tràn lan. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM.