"Liều thuốc" cho kinh tế thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng. Lời giải cho bài toán này sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

"Liều thuốc" cho kinh tế thế giới - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều hệ thống ngân hàng trên thế giới gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều ngân hàng đầu tư, nhất là ở Châu Á đang vật lộn với khó khăn vì thiếu “vốn” khi chứng khoán đi xuống, doanh nghiệp ngừng IPO, sản xuất kém hiệu quả...

Trong khi đó, theo dữ liệu từ một dự án của Ngân hàng thế giới (WB) được tài trợ bởi quỹ Bill & Melinda Gates và thực hiện bởi Gallup trên phạm vi 148 quốc gia, hơn 2,5 tỷ người lớn trên toàn thế giới không có tài khoản ngân hàng.

Phần lớn những người chưa được tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng thường sống chủ yếu ở các nước đang phát triển, chiếm gần một nửa dân số trong độ tuổi lao động của thế giới.

Lý do hàng đầu dẫn tới phân biệt này giữa nước giàu và nước nghèo, nghiệt ngã nhưng rõ ràng là bản thân sự nghèo đói. 2/3 số người không có tài khoản ngân hàng cho biết lý do chỉ đơn giản là họ không có đủ tiền để sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Khuyến khích người dân tham gia tiết kiệm là kênh hợp pháp bảo toàn vốn chủ sở hữu đồng thời chia sẻ các cơ hội quan trọng nhằm cung cấp vốn cho chủ đầu tư xây dựng các doanh nghiệp vững mạnh, đồng thời ngăn chặn và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường tín dụng không lành mạnh.

Hiện có khoảng 200 dự án Mobile Money triển khai ở gần 100 nước trên thế giới, đạt tốc độ phát triển rất nhanh so với khoảng 20 dự án được triển khai cách đây 4 năm. Trên thế giới hiện có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trong khi đó có 5 tỷ người có điện thoại di động tạo nên một cơ hội lớn cho Mobile Money. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 1 tỷ người nghèo không có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua Mobile Money.

Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự.

Theo đó, người sử dụng dịch vụ Mobile Money có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước…), chuyển/nhận tiền (nhận/trả tiền tài chính vi mô, nhận tiền kiều hối hoặc tiền của những người đi làm xa gửi tiền về quê), quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người) - đây là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Cho đến nay dịch vụ Mobile Money thành công nhất là M-PESA được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông Safaricom của Kenya từ năm 2007. M-PESA nhanh chóng được sử dụng phổ biến bởi nhiều người nhập cư đang làm việc tại các thành phố muốn gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Từ khi đi vào hoạt động, M-PESA đã thu hút được gần 14 triệu người, tương đương 1/3 dân số của Kenya đã và đang sử dụng dịch vụ để chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm và các giao dịch tài chính khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) tính rằng, tại Kenya, việc giảm chi phí chuyển tiền nội địa trong nước từ 2-5% thì sẽ tăng lượng chuyển tiền tới 50-70% và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Việc triển khai thành công Mobile Money là nền tảng cho việc triển khai các chương trình xã hội như tài chính vi mô, giải ngân đến tận tay người dân trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai lũ lụt hoặc các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Mobile Money rất thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp như có người đau ốm và ngân hàng thì đóng cửa. Trong trận động đất ở Haiti, nhờ việc triển khai Mobile Money mà Hội chữ thập đỏ có thể quyên góp gần 5 triệu USD trong vòng 48 giờ và ngay sau đó, chuyển tiền nhanh chóng đến tận tay các gia đình bị nạn.

Trong khi đó, xây dựng các thể chế tài chính tư nhân ở địa phương có thể giúp quá trình hợp tác tạo ra cơ hội để người dân tiếp cận với hệ thống cung cấp nguồn tín dụng kịp thời. Đây là cách mà Brazil đã phát triển một khung pháp lý cho phép các ngân hàng xây dựng một mạng lưới gồm 95.000 chi nhánh ngân hàng ở các địa phương. Như một kết quả tất yếu, hệ thống tài chính này hoạt động hiệu quả thu hút khoảng 13 triệu người dân tại 5.600 thị trấn của Brazil, từ thành phố Amazon, đến São Paulo và Rio de Janeiro.

Rakyat-một ngân hàng nhà nước của Indonesia đã và đang cung cấp dịch vụ tín dụng vi mô cho khoảng 30 triệu người dân, trong khi đó ở Ấn Độ lại phát huy hiệu quả với chương trình các tài khoản tiết kiệm giản đơn thu hút hơn 12,5 triệu khách hàng. Tương tự như vậy là những chương trình tín dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân tại các nước Mexico, Peru, Bolivia, Uganda, Nam Phi, Thái Lan, Philippines và Mông Cổ.

Xây dựng hệ thống tài chính cho người nghèo là chìa khóa mở cửa nền kinh tế để đón những cơ hội cùng tạo ra lợi ích cho tất cả mọi người.