Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Liều thuốc” tăng minh bạch thị trường bảo hiểm nhân thọ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP vừa được ban hành với nhiều quy định mới, ràng buộc, được kỳ vọng là “liều thuốc” nâng chất lượng thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có sự phát triển khá ấn tượng trong hơn 20 năm qua, đóng góp nhiều giá trị tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ sự bình an về tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với sự tăng trưởng nhanh, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã nảy sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn,  dịch vụ chăm sóc khách hàng và cả việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Chia sẻ về giải pháp nâng chất thị trường bảo hiểm nhân thọ, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Ngô Việt Trung cho biết, Thông tư số 67/2023/TT-BTC (Thông tư 67) hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP vừa được ban hành góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, Thông tư số 67 có nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm nói chung và tư vấn bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nói riêng.

Thông tư số 67 được kỳ vọng sẽ nâng chất lượng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Thông tư số 67 được kỳ vọng sẽ nâng chất lượng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Nói về những điểm mới của Thông tư số 67, ông Ngô Việt Trung cho biết, Thông tư đưa ra nhiều nhóm quy định tạo nền tảng cho những hoạt động mới của thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới như: quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quy định chi tiết về các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm; quy định về công khai thông tin; quy định về đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát với hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Đặc biệt, tại Thông tư số 67 có nhiều nội dung quan trọng nhằm thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm, chú trọng phát triển về chiều sâu hơn là phát triển về chiều rộng, như: quy định về tăng cường tính minh bạch trong hoạt động đại lý, đặc biệt là hoạt động đại lý thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.  “Đây là sản phẩm khá phức tạp, có yêu cầu cao về nhận thức và tài chính của người tham gia. Chúng tôi mong muốn chất lượng tư vấn được nâng cao, tránh việc tư vấn viên “ép” khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm không đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình” – ông Ngô Việt Trung nêu quan điểm.

Tăng chế tài xử phạt

Để tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Thông tư số 67 quy định các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.

 

Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, đồng thời yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm - ông Ngô Việt Trung cho hay.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp người mua dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia trước khi quyết định giao kết hợp đồng…

Ngoài ra, để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, Thông tư số 67 quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của mình và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Thông tư số 67 cũng sửa đổi các giới hạn đối với các khoản hoa hồng theo hướng yêu cầu phân bổ thời gian chi trả dài hơn, nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, cũng bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới phát triển chất lượng hơn là tập trung vào số lượng.

Để tăng tính răn đe những vi phạm, Bộ Tài chính đang thực hiện những khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Dự thảo Nghị định này theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, kể cả phạt bằng tiền, hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả  nhằm tạo tính răn đe hơn. 

“Với những quy định tổng thể, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ được minh bạch hóa và chất lượng tư vấn nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng sẽ được nâng cao, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân” – ông Trung tin tưởng.