Sau bão, những người lính áo cam trắng đêm, gồng mình trong mưa gió để kịp thời khắc phục hậu quả, sớm cấp điện trở lại để tái thiết cuộc sống...
Chủ động lên phương án
Thời điểm đó, ngay khi xác định bão số 3 (Yagi) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện, tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan ngày 6/9, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã ban hành công điện để triển khai các công tác phòng, chống bão số 3.
Đồng thời, tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thành viên nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão để rà soát, chuẩn bị công tác phòng, chống bão.
Lãnh đạo EVN và các Tổng Công ty đã trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra công tác phòng, chống bão, lụt ở các tỉnh khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3.
“Thời điểm đó, các đơn vị của Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, trang thiết bị và thiết bị dự phòng, bảo đảm cho công tác xử lý, khắc phục ngay sự cố nếu xảy ra” - ông Võ Quang Lâm cho biết.
Thông tin thêm, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, ưu tiên hàng đầu trong ứng phó với bão số 3 là bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện. Tất cả các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư tại chỗ - hậu cần tại chỗ”, trực tăng cường 24/24h trong các ngày diễn ra cơn bão để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do bão gây ra trong thời gian nhanh nhất.
Ứng phó với cơn bão số 3, nhiều đơn vị ngành điện đã chủ động và sẵn sàng ứng phó. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Phạm Lê Phú và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão Yagi tại Công ty Truyền tải điện Đông Bắc 1, Truyền tải điện Đông Bắc 2 và Truyền tải điện Ninh Bình.
Tại buổi kiểm tra, Tổng Giám đốc EVNNPT nhấn mạnh, các đơn vị thường xuyên cập nhật tình trạng di chuyển của bão để chủ động có biện pháp ứng phó trên lưới truyền tải điện. Tập trung kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, trạm biến áp. Xử lý triệt để các vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn, nhà bạt, vật bay gần hành lang, dây bị văng lắc, các vị trí pha-đất thấp, trạm ngập úng…
Đối với các vị trí xung yếu, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) và các Truyền tải điện chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện... chủ động lập, duyệt để triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở, sụt lún, nghiêng cột... với phương án dự phòng rủi ro cao nhất. Tổ chức thực hiện nạo, vét, khơi thông bổ sung để hướng dòng chảy ra xa khu vực đã bị sạt lở, phủ bạt khu vực sạt lở, sụt lún… Các trạm biến áp 220kV - 500kV kiểm tra thiết bị, các tủ điều khiển, bảo vệ ngoài trời, hộp nối không để mưa hắt gây chạm chập...
Trắng đêm khắc phục
Do các công ty điện lực đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, sau khi bão đi qua và gió mạnh giảm dần, với mục tiêu cấp điện trở lại sớm nhất có thể, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, ngay trong đêm, những người thợ điện tại các tỉnh Bắc Bộ không quản ngại mưa gió đã khoanh vùng sự cố, khẩn trương khôi phục lưới điện.
Là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) Nguyễn Hữu Hưởng thông tin, bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng từ trưa 7/9. Đến 14h cùng ngày, toàn TP bị mất điện.
Ngay lập tức, PC Hải Phòng đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ, với hơn 1.000 người ở các điện lực quận, huyện và đơn vị thí nghiệm điện cao thế để tổ chức kiểm tra phân vùng sự cố, nỗ lực cấp điện trở lại cho khách hàng. Song song với đó, Công ty cũng phối hợp với các nhà thầu để xử lý các sự cố một cách nhanh nhất và an toàn nhất để sớm cấp điện cho Nhân dân.
Ứng trực bão số 3 từ sáng sớm ngày 7/9, anh Ngô Ngọc Quý - Điện lực Dương Kinh, PC Hải Phòng chia sẻ, nhà anh ở Đồ Sơn, gió còn mạnh hơn rất nhiều nên khi bão đổ bộ, anh rất lo lắng cho gia đình. Nhưng đặc thù công việc của ngành điện, anh cũng như toàn thể đồng nghiệp đều động viên gia đình từ xa, để toàn lực ưu tiên làm việc. Anh cùng các đồng nghiệp nỗ lực, quyết tâm, làm việc bằng 200% sức lực so với ngày thường để khắc phục nhanh các sự cố, cấp điện trở lại cho bà con.
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngoài lực lượng tại chỗ, khoảng 4.000 cán bộ, nhân viên đã được huy động để khắc phục hậu quả, khôi phục điện sau bão, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) còn thành lập thêm tổng cộng 38 đội xung kích với tổng số 413 cán bộ, công nhân kỹ thuật từ 13 đơn vị bạn để hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Cùng với đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã cử tổng cộng 273 người (từ 6 Công ty Điện lực gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, và Quảng Ngãi) và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã cử tổng cộng 100 nhân viên đến tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ khôi phục lưới điện...
Chính sự chủ động, nỗ lực vào cuộc khắc phục sự cố điện được thực hiện rốt ráo, công tác khôi phục toàn bộ các đường dây, cung cấp điện trở lại được thực hiện sớm nhất.