Lính cứu hộ 11/9 và cuộc chiến với ung thư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 10 năm trôi qua, những người tham gia cứu hộ ngày 11/9 nói rằng họ đã bị bỏ rơi trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư và hàng đống hóa đơn thuốc.

Được ca ngợi như những người anh hùng nhưng hàng nghìn lính cứu hộ cho biết họ đã trở thành nạn nhân của một loạt căn bệnh từ hen suyễn cho đến ung thư, do tiếp xúc với các mãnh vỡ độc hại trong đống đổ nát của tòa tháp đôi ngày 11/9/2011.
 
Các quỹ bồi thường do chính phủ Mỹ thành lập không công nhận ung thư là căn bệnh có nguyên nhân từ hoạt động cứu hộ và dọn dẹp khu Trung tâm thương mại thế giới (WTC). Hồi tháng 7, đợt khám xét định kỳ đầu tiên về bệnh ung thư, thuộc chương trình Sức khỏe WTC, kết luận rằng không đủ bằng chứng để đưa ung thư vào danh sách tình trạng bệnh liên quan đến WTC.
 
Và một cuộc chiến chính trị đang nổ ra.
 
Theo quỹ Fealgood, do John Feal - một công nhân xây dựng bị thương tại WTC điều hành, có 1.020 trong tổng số 40.000 công nhân và tình nguyện viên WTC đã thiệt mạng vì các biến chứng sức khỏe. 345 thành viên của đội cứu hỏa và 45 nhân viên cảnh sát đã chết vì bệnh ung thư, vượt quá con số thương vong trong ngày 11/9 là 343 lính cứu hỏa và 23 cảnh sát.
 
"Đã 10 năm trôi qua. Họ ca ngợi những con người sau thảm họa 11/9 rồi quay lưng lại với chúng tôi?", Jeff Stroehlein, 47 tuổi, một lính cứu hỏa đã nghỉ hưu ở thành phố New York, người đang chống chọi với bệnh ung thư não sau khi làm việc tại khu Ground Zero nói.
 
Stroehlein và những bệnh nhân ung thư khác không hề nghi ngờ rằng căn bệnh của họ bắt nguồn từ một thập kỷ trước, khi họ tìm kiếm những mảnh thi thể còn sót lại và dọn dẹp đống đổ nát ở WTC trong khoảng thời gian kéo dài từ hàng tuần đến gần một năm.
 
Cho đến tuần trước, một nghiên cứu đưng trên Lancet cho thấy rằng các lính cứu hỏa của thành phố New York có mặt tại tòa tháp đôi hôm đó có tyr lệ mắc ung thư cao hơn các đồng nghiệp của họ 19%. Những người bị ung thư vẫn đang nuôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ thay đổi quyết định, đưa ung thư vào danh sách bệnh được chính phủ chi trả.
 
"Nghiên cứu của Lancet cho thấy những hình thức khác nhau của bệnh ung thư cần được kiểm soát và chữa trị theo quy định của Luật bồi thường và y tế James Zadroga", Feal nhắc đến bộ luật đặt theo tên của một nhân viên cảnh sát New York đã qua đời ở tuổi 34 vì bệnh ung thư.
 
Theo luật Zadroga, hơn 4 tỷ USD đã được phân bổ để chi phí cho việc chữa trị và khám bệnh của các bác sĩ về hen suyễn, căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, lo lắng, đau lưng và hội chứng ống cổ tay.
 
Một số bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng một số thì không. Một vài người bị bệnh và mất việc làm phải đối mặt với những hóa đơn của bác sĩ đến hàng chục nghìn đôla. Với trường hợp của Stroehlein, ông có bảo hiểm y tế nhưng bảo hiểm không trả hết tất cả các loại thuốc men của ông.
 
Với John Devlin, 50 tuổi, một nhân viên điều hành các thiết bị hạng nặng tại WTC trong gần 10 tháng, các vấn đề sức khỏe bắt đầu nảy sinh một vài tuần sau vụ tấn công, với những triệu chứng mà nhiều công nhân khác cũng phải chịu đựng và được họ gọi là "bệnh ho WTC". Năm 2009, ông bị chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn bốn. Việc mặc cả với các hãng bảo hiểm, bộ phận thanh toán của bệnh viện và các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về việc bồi thường cho công nhân đã trở thành một phần thường xuyên trong cuộc đấu tranh sống còn của ông.
 
"Tôi đã hứa với Chúa khi tôi đang nằm trong khoa ung thư suốt hai tháng rưỡi, rằng nếu tôi được ra ngoài và còn có thể nói, tôi nhất định sẽ đứng lên vì những người anh em của tôi, những người đã ngã xuống ở đó", ông nói.