Linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam luôn đối mặt với bài toán cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm sao để tránh điệp khúc thắt chặt để chống lạm phát, sau đó lại kích thích, kích cầu để duy trì tăng trưởng, tránh đình đốn sản xuất, rồi lại tiếp tục thắt chặt giải quyết hệ quả từ kích cầu…

Quan ngại về đình trệ sản xuất

Tại Tọa đàm "Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 16/4, ông Phan Đỗ Chí, chuyên gia của dự án Star Plus cho rằng, mối âu lo giờ đã chuyển từ lạm phát (gần 20% năm ngoái) sang đình trệ về sản xuất đang xảy ra nghiêm trọng với những biểu hiện đáng quan ngại về chỉ số công nghiệp, hàng tồn kho cao, doanh số bán lẻ rất thấp… Ông Phan Đỗ Chí dẫn chứng, thâm hụt thương mại ước tính chỉ còn 250 triệu USD trong quý I, tương đương 1/10 mức thâm hụt bình thường được dự kiến cho quý này. Mặc dù đó là điểm tốt từ góc nhìn tài chính, nhưng dấu hiệu này cho thấy mức nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu đã giảm xuống mạnh. Điều này có thể báo hiệu sự suy giảm hơn nữa trong sản xuất hàng hóa và cảnh báo sự sụt giảm của xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trong nước đạt âm 2,4% trong 2 tháng đầu năm 2012; khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế thấp;… Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng năm nay khó có khả năng đạt 15 - 17%, còn nếu ép để đạt được sẽ tạo sức ép lạm phát trong năm 2012.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6 - 6,5 % là không thể, thậm chí từ 5 - 5,5% cũng phải rất nỗ lực mới đạt được khi mà tốc độ tăng trưởng quý I chỉ đạt 4% và bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay.

Cần thắt chặt chính sách tài khóa

Dù lạm phát được kiềm chế tốt, nhưng trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, các ý kiến đều cho rằng cần kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, phải có giải pháp phối hợp chính sách để mục tiêu này không triệt tiêu tăng trưởng, làm đình đốn sản xuất. Theo ông Vũ Viết Ngoạn, trong bối cảnh hiện nay, có thể nới lỏng dần chính sách tiền tệ, nhưng phải thắt chặt chính sách tài khóa.

Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết để đối phó với lạm phát và đình đốn sản xuất từ quý II năm 2012 và có lẽ cả năm 2013. Nhiều chuyên gia  kinh tế đề xuất, sử dụng chính sách tài khóa chặt chẽ như công cụ chính để đối phó với lạm phát, giảm tổng cầu thông qua cắt giảm đầu tư công và giúp giảm lãi suất. Vì chính sách tài khóa thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ và bớt đi hỗ trợ thâm hụt ngân sách từ khu vực ngân hàng. Trong khi đó, có thể áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng từ từ để giảm lãi suất và nâng cao tăng trưởng, làm giảm tình trạng đình đốn sản xuất.

Điều này cho thấy, chính sách tài khóa là rất quan trọng, cần được thực hiện một cách quyết đoán hơn. Thiếu sự hỗ trợ của chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ khó có thể làm giảm lãi suất một cách hiệu quả. Việc bơm thanh khoản tích cực cho hệ thống ngân hàng để giảm mức lãi suất xuống thấp có thể dẫn đến lạm phát nhiều hơn vào cuối năm 2012, giống như trường hợp của nhiều năm trước đây. Khi thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định trở lại, Ngân hàng Nhà nước cần xóa bỏ trần lãi suất huy động để nâng cao vai trò của cơ chế thị trường trong hệ thống ngân hàng, hơn là việc áp dụng các công cụ hành chính vốn. Những công cụ này thường kèm theo nhiều tác dụng phụ vì chỉ mang tính "chữa cháy ngắn hạn".
 

Quý I/2012 lạm phát đã giảm dần; cán cân thanh toán từng bước được cải thiện, đạt thặng dư 2 tỷ USD; tỷ giá từng bước ổn định, dự trữ ngoại hối cải thiện và rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng không còn. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là số doanh nghiệp đóng cửa, giảm lao động tăng; công nghiệp gặp khó khăn, trong đó công nghiệp chế biến giảm sâu; thanh khoản của nền kinh tế thấp. Chính vì vậy, thời điểm này là thích hợp để bỏ trần lãi suất, để thị trường điều tiết hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại