Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp (DN) và người dân, bảo đảm nguồn thu. Ngành thuế, hải quan sẽ tăng cường các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, bồi dưỡng nguồn thu thông qua việc triển khai hiệu quả các chính sách giãn, giảm thuế...
Một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 của Bộ Tài chính là căn cứ các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị quyết số 01, Nghị quyết 02, chủ động chỉ đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, bảo đảm đạt mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ.
Năm 2012, sự vào cuộc tích cực của ngành Tài chính đã tạo hiệu ứng tức thì, góp phần trực tiếp giúp các DN giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như việc giãn thuế VAT 3 tháng giúp cho khoảng hơn 200.000 DN được thụ hưởng với số tiền là 11.000 tỷ đồng.
Nhận định áp lực tăng giá trong năm 2013 sẽ phức tạp và khó khăn hơn nên Bộ Tài chính xác định mục tiêu tiếp tục chủ động trong dự báo giá, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ thiết yếu theo đúng lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện... dựa trên nguyên tắc chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước... Trong hoạt động của DNNN nói chung, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.
Bên cạnh các giải pháp về thuế, các giải pháp về tài chính khác cũng được Bộ Tài chính đề xuất để phát huy hiệu quả của từng chính sách và hiệu quả tổng thể của cả nhóm giải pháp. Đó là thực hiện có hiệu quả hoạt động đầu tư công, công tác sử dụng nguồn vốn ODA; tăng cường thu hút đầu tư FDI; tập trung phát triển thị trường trái phiếu trong nước;...