Linh hoạt, sáng tạo trong dạy – học Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tranh luận cho rằng Lịch sử (trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) nên là môn học bắt buộc, Bộ GD&ĐT đã khẳng định môn học này sẽ không nằm trong hệ thống các môn học bắt buộc.

Theo đó, môn Lịch sử đã được tích hợp trong các môn học khác như Công dân với Tổ quốc, Đạo đức, Quốc phòng an ninh, do đó nội dung đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm của mình, cô Nguyễn Hương Trà - giáo viên trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, dù dạy môn học độc lập hay những môn tích hợp liên môn, trước hết giáo viên phải là người linh hoạt, sáng tạo, tạo ra những bài học sinh động mới cuốn hút được học trò.

Theo cô Trà, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đưa ra, trong đó để Lịch sử là môn tự chọn và là môn tích hợp. Với cách thức dạy này thì gần như không thay đổi, bởi hiện nay ở cả 3 cấp học đều có các môn tích hợp. Hiện cấp 1 đã hình thành Khoa – Sử - Địa, cấp 2 sâu hơn, rộng hơn, tích hợp cả Sử, Địa.

Cụ thể, bậc tiểu học có "Cuộc sống quanh ta" được phát triển từ môn "Tự nhiên và xã hội" ở các lớp 1, 2, 3; môn "Tìm hiểu xã hội" và "Tìm hiểu tự nhiên" tích hợp từ các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5… “Song, dạy môn tích hợp đòi hỏi giáo viên cần có kiến thức rộng ở nhiều môn. Ở bậc tiểu học, THCS nội dung kiến thức là cơ bản, giáo viên chỉ cần được huấn luyện kết hợp với trau dồi kỹ năng là có thể dạy tích hợp được. Còn chương trình THPT kiến thức các môn đã chuyên sâu, thầy cô khi được đào tạo, được học cũng chỉ học chuyên môn chuyên sâu ấy, việc dạy thêm 2 - 3 môn khác trong nhóm xã hội hoặc tự nhiên sẽ rất vất vả.

Để thực hiện dạy – học đáp ứng theo yêu cầu mới, trước hết, các trường sư phạm cần nghiên cứu đào tạo mới từ mô hình đào tạo giáo viên dạy môn học cụ thể sang mô hình đào tạo chuyên gia giáo dục thuộc lĩnh vực chuyên môn có học vấn nền tảng rộng và sâu, thành thạo về nghiệp vụ… Bên cạnh đó, các nhà trường bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên để đáp ứng theo chương trình mới.

Và điều quan trọng nữa, dù dạy môn học độc lập hay môn tích hợp, hơn hết, đòi hỏi người giáo viên năng động, sáng tạo trong các tiết dạy. Theo từng chủ đề, giáo viên phải linh hoạt, tìm tòi đưa dẫn chứng cụ thể, sinh động dẫn dắt học trò vào bài giảng… tạo cho học trò sự yêu thích say mê với môn học” - cô Trà phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần