Linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đào Duy Tâm, (ảnh trên) Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố cho biết: Xây dựng nông thôn mới là một việc mới, khó và lâu dài nên lúc đầu, Hà Nội vẫn còn lúng túng. Nhưng sau hai năm triển khai, thành phố đã có các bước đi rõ ràng. Tuy còn cần phải điều chỉnh nhưng chúng ta đã thấy cách thức tổ chức của nhiều địa phương là rất linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể. Với sự tham gia đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô, Hà Nội sẽ có thêm nhiều điển hình mới, mô hình nông thông mới được xây dựng.
![]() |
- Thưa ông, sau hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã làm được những gì?
Hà Nội có xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) được chọn làm mô hình điểm của Trung ương. Đến nay, Thụy Hương đã có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn. 3 mô hình điểm của thành phố là xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) và xã Đại Áng (huyện Thanh Trì), xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đều đạt từ 12 - 15 tiêu chí.
Riêng với Song Phượng, đây là xã điểm nông thôn mới của thành phố, được đánh giá là điển hình của việc nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ngoài ra, trong số 15 mô hình điểm của 15 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đã có 12 xã đạt trên 10 tiêu chí, chỉ còn 3 xã đạt dưới 10 tiêu chí… Điều đáng nói là trước khi bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, so với Bộ tiêu chí Quốc gia, các xã này đều có rất ít tiêu chí đạt chuẩn. Hiện toàn thành phố có 10/19 huyện lập xong đề án xây dựng nông thôn mới; các huyện, thị xã còn lại đều đã lập xong dự thảo đề án.
- Tuy đã làm được nhiều việc nhưng theo đánh giá chung, tiến độ xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn được coi là chậm. Ông có thể cho biết, nguyên nhân vì sao?
Như tôi đã nói, xây dựng nông thôn mới là một việc làm mới và khó nên khi mới triển khai còn nhiều lúng túng. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức còn hạn chế nên có tư tưởng ỷ lại, khi thực hiện thiếu quyết liệt, thậm chí có địa phương còn thờ ơ hoặc chỉ đạo chưa đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước, dẫn tới công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành chưa nhịp nhàng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tuy đã được quan tâm nhưng còn đơn điệu. Năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Đặc biệt, cơ chế chính sách áp dụng còn nhiều bất cập, nhất là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nông dân…
- Cụ thể là cơ chế, chính sách gì, thưa ông?
Thực tế hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp thường hiệu quả thấp, đầu tư cao, cơ chế chính sách không được ưu tiên nhiều. Ngay như việc đầu tư vào các dự án rau an toàn, thủy sản, nước sạch nông thôn, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận chỉ giới đường đỏ. Tôi cho rằng, những chính sách còn chưa đủ mạnh để phát triển các dự án nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp ở Hà Nội mấy năm qua chỉ chiếm 27%, nhưng chủ yếu tập trung vào các dự án đê điều. Chúng tôi đang đề nghị thành phố nâng mức đầu tư lên 32%.
![]() |
Cánh đồng hoa thôn Thu Quế, xã Song Phượng. Ảnh: Thành Công
- Theo báo cáo chung, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung ở một vài tiêu chí như: thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… Như vậy, so với tiêu chí chung của Trung ương, Hà Nội gặp khó khăn gì và để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, Hà Nội định giải quyết như thế nào?
Trong 19 tiêu chí, có tiêu chí làm rất khó, như nâng cao thu nhập cho người dân - Hà Nội xác định là rất khó! Bởi từ chỗ 14 - 15 triệu đồng/người/năm như hiện nay ở khu vực nông thôn mà trong vòng 2 - 3 năm nữa nâng lên gấp 1,5 lần (khoảng 25 - 26 triệu đồng) là rất khó. Tiêu chí này có thể phù hợp với các tỉnh, nhưng không phù hợp với Hà Nội, vì khoảng cách giàu nghèo ở Thủ đô rất cao.
Hoặc tiêu chí chuyển đổi cơ cấu lao động cũng rất khó thực hiện. Bởi nhiều xã có nghề truyền thống như chuyên trồng hoa, cây cảnh; làm hàng mây tre đan, dát quỳ vàng… thì chuyển họ làm việc gì. Tiêu chí mỗi xã một chợ nhưng thực tế, nhiều nơi xây chợ xong chẳng có ai sử dụng, vậy có nhất thiết phải mỗi xã một chợ? Hoặc tiêu chí nhà văn hóa, có nhất thiết phải mỗi xã một nhà văn hóa… Do đó, Hà Nội đang tổng hợp để đề nghị điều chỉnh, mong rằng sau khi xem xét, Chính phủ sẽ có một cơ chế riêng cho Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông!