Trao đổi với phóng viên sáng ngày 4/8, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, phía Công ty Giải trí Đồng Dao đã ký thỏa thuận trước giờ diễn tối 2/8 sẽ nộp 178 triệu đồng tiền bản quyền các ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc Khánh Ly in Hà Nội. Đại diện nhà tổ chức cũng hứa hẹn chiều nay ngày 4/8 sẽ đến VCPMC để nộp tiền.
"Chủ sở hữu những tác phẩm của Trịnh Công Sơn chính là người nhà của ông. Họ đã ủy thác cho chúng tôi quản lý sáng tác của ông, chúng tôi có trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra. Ban tổ chức gồm Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao và Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã cố ý né tránh việc phải đóng phí tác quyền. Cho đến khi chúng tôi phải trực tiếp đến buổi biểu diễn họ mới có thái độ hợp tác và cùng ký vào hợp đồng thỏa thuận", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhà văn Trần Thị Trường trao đổi với báo chí sáng ngày 4/8 tại Trung tâm về vấn đề bản quyền các ca khúc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Khánh Ly vừa diễn ra tại Hà Nội
|
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nghị định 61 Chính phủ nêu rõ, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15% tới 21% doanh thu của buổi diễn để trả cho tất cả tác giả.
Tuy nhiên, mức tiền bản quyền chung của VCPMC quy định cho các chương trình ca nhạc là 5% của 75% tiền bán vé tính theo giá vé trung bình. Trong khi đó, đơn vị tổ chức Khánh Ly in Hà Nội có kêu rằng họ mới chỉ bán được 30% vé trong số hơn 3.500 vé tính đến hết ngày 1/8, trong đó có một phần là vé đem tặng.
Ngay trong buổi gặp mặt trước giờ diễn, đại diện nhà tổ chức còn mang ra cả va-ly đựng vé thừa làm bằng chứng. Sau một hồi thảo luận, phía VCPMC linh động thay con số 75% bằng 40%. Và tiền bản quyền đơn vị tổ chức phải nộp là gần 178 triệu đồng (chưa tính thuế) theo công thức 5% của tổng số tiền từ 40% số lượng ghế x 2,4 triệu đồng tiền vé trung bình.
Hợp đồng được ký tại chỗ, còn tiền mặt sẽ được đại diện nhà tổ chức chương trình mang đến Trung tâm sau.
Được biết, live concert Khánh Ly hồi 9/5 tại Hà Nội đã nộp cho VCPMC 5% của 65% tiền bán vé, tương đồng số tiền bản quyền là 260 triệu đồng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói thêm, đêm nhạc Khánh Ly lần trước được bên Đồng Dao kết hợp với công ty khác thực hiện đã thực hiện việc trả tiền bản quyền rất nghiêm túc chứ không cò kè, mặc kể như lần này.
Nhà văn Trần Thị Trường, Phó Giám đốc VCPMC cũng cho biết: “Trước một ngày diễn ra chương trình, đại diện của đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly đến đặt vấn đề “ngược” với VCPMC. Họ chủ động ra giá cho mỗi tác phẩm là 1,5 triệu đồng nhưng chúng tôi không đồng ý. Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy thác quyền tác giả cho trung tâm từ năm 2009 và gần đây nhất, ngày 26/7/2014 đại diện của gia đình nhạc sĩ là chị Trịnh Vĩnh Trinh đã gửi thêm văn bản xác nhận lại việc ủy quyền cho Trung tâm. Phía gia đình cố nhạc sĩ cũng không đồng ý việc “thương lượng” của đơn vị tổ chức đêm diễn”.
Khánh Ly xúc động trên sân khấu Hà Nội
|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng xác nhận thông tin việc ông sẵn sàng lên sân khấu đêm nhạc Khánh Ly để “cướp diễn đàn” nếu đơn vị tổ chức biểu diễn không chịu hợp tác thực hiện vấn đề bản quyền. “Lúc đầu, chúng tôi liên lạc họ không chịu hợp tác. Sát ngày diễn họ mới đến nhưng lại “ra giá” thay “người bán. Khi chúng tôi không đồng ý thì họ “mất tích” luôn. Tôi đã trực tiếp đến đêm nhạc để yêu cầu họ chấp hành luật pháp. Nếu họ không hợp tác, tôi chấp nhận mọi rủi ro kể cả xô xát, bị đẩy ngã để lên sân khấu tố cáo hành vi xâm phạm vấn đề bản quyền”, ông khẳng định.
Người đứng đầu VCPMC cũng than rằng, không đâu việc thực hiện vấn đề bản quyền tiêu cực như ở Hà Nội. Ông cho rằng, sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan cấp phép biểu diễn với Trung tâm cũng là nguyên nhân khiến vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc rối ren, lộn xộn như hiện nay. “Chỉ cần các đơn vị cấp phép yêu cầu đơn vị tổ chức thực hiện vấn để bản quyền đầy đủ mới được cấp phép thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Sau đêm diễn lần hai tại Hà Nội, nữ danh ca Khánh Ly sẽ tiếp tục biểu diễn trước công chúng Đà Nẵng trong đêm nhạc Khánh Ly in Đà Nẵng vào ngày 8/8 tại Cung thể thao Tiên Sơn.