Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Livestream bán hàng lậu “đại náo” mạng xã hội

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình thức bán hàng bằng cách phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội đang trở nên “hot”, khiến nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Phát hiện nhiều điểm bán hàng lậu qua livestream
Mới đây, vụ việc một kho hàng lậu tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) bán hàng qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream bị Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện, xử lý đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo Cục QLTT Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm, kho hàng này đã có hơn 655.000 đơn hàng chốt bán, trung bình 1 ngày có hơn 3.600 đơn mua hàng. Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện các điểm bán hàng lậu, hàng giả thông qua hình thức livestream.
Ngày 22/6, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT TP Hà Nội) qua kiểm tra đã phát hiện 8 kho hàng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các quận Long Biên, Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang cất giữ, tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm giày dép thời trang làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior...
 QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng lậu tại quận Long Biên

Đội trưởng Đội QLTT số 14 Dương Ngọc Viện cho biết, các cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetream bán hàng qua mạng xã hội Facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, mang hàng đi cho khách. “Qua điều tra, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS, cả chục tài khoản Facebook đồng loạt chia sẻ các livestream để chốt đơn hàng” - ông Dương Ngọc Viện chia sẻ.
Thông tin về những thủ đoạn tiêu thụ hàng lậu, hàng giả thông qua livestream trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các thủ đoạn thường được đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Mỗi ngày, nhân viên tại các cơ sở thực hiện livestream và chốt đơn để chuyển hàng đi khắp cả nước thông qua chuyển phát nhanh.
 QLTT kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng lậu trên phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng

Nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý
Thực tế cho thấy, dù lực lượng QLTT liên tục phát hiện, triệt phá các cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua hình thức livestream nhưng việc xử lý lại không dễ.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường TMĐT là phải có sự việc rõ ràng, phải có người mua và món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh nên QLTT không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn.
Không chỉ có vậy, việc xử lý vi phạm đối với các DN gian lận cũng không hề dễ do việc kiểm tra, truy tìm không đơn giản. Nguyên nhân là do các trang website TMĐT hầu như không cung cấp địa chỉ bán hàng hoặc địa chỉ không đúng, chưa kể nhiều đối tượng sử dụng các khu chung cư cao cấp làm kho dự trữ, livestream bán hàng, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.
“Có trường hợp lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở không thừa nhận website đó do mình thiết lập, quản lý. Hoặc khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… website ngay tại thời điểm kiểm tra, gây khó khăn khi chứng minh vi phạm” - ông Trịnh Quang Đức nêu ví dụ.
 QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh nước hoa tại 81 Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngăn chặn tình trạng livestream bán hàng giả, hàng lậu trên mạng xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp thực tế.
Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh, khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các Youtuber.
“Nhà nước cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng "nhờn luật" do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được” - ông Phạm Bá Dục kiến nghị.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 về TMĐT. Theo đó Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới, và phải coi đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Mô hình TMĐT sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm chủ thể tham gia các sàn giao dịch TMĐT. 
Để hạn chế tình trạng tràn lan hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên chợ online tự phát dạng Facebook, cần có sự vào cuộc nhanh, mạnh của chính các nền tảng TMĐT lớn. Các nhà mạng cũng cần có chính sách về livestream, chẳng hạn không thể bật tính năng livestream cho tất cả thành viên. Ai muốn livestream bán hàng phải có giấy phép kinh doanh, chứng minh nhân dân, phải đăng ký đầy đủ.
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải