Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

LNG - nguồn năng lượng tương lai nhưng không dễ kiếm

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang là mối bận tâm sâu sắc của Trung Quốc và nhiều nước châu Á.

Trung Quốc và các quốc gia châu Á đang cạnh tranh nguồn cung khí thiên  nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm thay thế than đá. 

Châu lục lớn nhất thế giới này quy tụ ba nhà nhập khẩu LNG hàng đầu, gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, phần lớn nguồn nhập khẩu LNG của Nhật Bản và Hàn Quốc là từ vùng Viễn Đông của Nga. Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã buộc họ phải tìm nguồn dự trữ khác ở Bắc Mỹ. Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, Đông Á tiêu thụ một nửa lượng LNG của thế giới.

Hàng loạt ông lớn năng lượng châu Á đang "đổ xô" vào các dự án LNG, trong đó có công ty thương mại Nhật Bản Mitsubishi Corp., PetroChina, và Kogas của Hàn Quốc. Trong khi đó, tập đoàn kỹ thuật Nhật Bản JGC Holdings đang xoay xở giành hợp đồng thiết kế và mở rộng các cở sở chế biến LNG thông qua một liên minh riêng.

Một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines đã bắt đầu nghĩ đến nguồn LNG để thay thế than đá. Tính đến năm 2030, nhu cầu LNG ở Đông Nam Á dự kiến lên đến 77 triệu tấn hoặc tăng gấp bốn lần khối lượng vào năm 2022, giúp khu vực này sánh ngang với Nhật Bản.

Hiện nay, bờ biển Canada, Thái Bình Dương đang nhận được sự quan tâm hàng đầu của các nhà khai thác LNG hàng đầu châu Á. Với trữ lượng lớn và vị trí địa lý thuận, Canada là điểm đến của các nhà đầu tư châu Á.

Theo Dulles Wang, giám đốc công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, bờ biển phía Tây của Canada có lợi thế về mặt địa lý khi gần với châu Á. Mất khoảng 20 ngày để các tàu LNG qua kênh đào Panama đi từ Vịnh Mexico đến Đông Bắc Á, trong khi đó quãng thời gian rút xuống còn khoảng tám ngày nếu đi từ Canada.

Do tiềm năng trở thành nhà sản xuất LNG lớn, Liên minh Khí đốt Quốc tế và Hiệp hội các công ty năng lượng đã chọn Vancouver, trung tâm ở bờ biển phía tây tỉnh British Columbia, Canada để tổ chức hội nghị LNG 2023 vào tháng 7.

Hội nghị ngay lập tức trở thành chủ đề được tranh luận sôi nổi đối với cả các công ty châu Á và phương Tây.

"Lượng LNG dồi dào của Canada là giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề năng lượng hiện tại, đặc biệt là sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra” - Timothy Egan, chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Canada cho biết.

Các kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy LNG ở miền tây Canada đã bắt đầu khoảng một thập kỷ trước, nhưng hầu hết chưa thực hiện được, ngoại trừ dự án năng lượng của Tập đoàn đa quốc gia Shell.

Dự án LNG Canada sắp đi vào hoạt động. Nguồn: Nikkei Asia
Dự án LNG Canada sắp đi vào hoạt động. Nguồn: Nikkei Asia

Tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Anh này cho biết các cơ sở LNG ở Canada bắt đầu hoạt động vào giữa những năm 2020 với sản lượng 14 triệu tấn/năm cho giai đoạn đầu tiên. Hiện công ty cũng có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2030.

Thông thường, những công ty sở hữu LNG sẽ bán nguồn năng lượng này  cho các công ty châu Á khác hoặc tự vận hành. Chẳng hạn, Petronas có kế hoạch hóa lỏng khí đá phiến đang sở hữu ở miền tây Canada để xuất khẩu.

Ngoài LNG Canada, các dự án khác đang mọc lên để mời chào các nhà đầu tư châu Á. Dự án Woodfibre LNG của Pacific Energy, Singapore ở British Columbia đã chọn nhà thầu Mỹ McDermott cho việc thiết kế và xây dựng nhà máy hóa lỏng. Cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2027 với công suất 2,1 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, một số dự án nhà máy LNG ngoài khơi ở Canada cũng đang được xây dựng nhằm tăng công suất xuất khẩu cũng như giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. 

Hai dự án do người bản địa đứng đầu cũng có kế hoạch bán LNG cho các công ty châu Á. Theo Wood Mackenzie, LNG của Canada dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% thị phần tại thị trường Đông Bắc Á vào năm 2050.

Trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine, hầu hết nguồn LNG ở Vịnh Mexico và Canada đang là mục tiêu của cả châu Âu và châu Á.