Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh cam kết này,Tiến sĩ Trịnh Ngọc Huy (ảnh), Hiệu trưởng nhà trường cho biết
Mục tiêu cốt lõi chúng tôi đặt ra khi xây dựng trường là đào tạo ra nguồn nhân lực bậc trung có trình độ tay nghề cao, có ý thức kỷ luật tốt, ngoại ngữ phù hợp để sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm tốt các công việc được giao. HACOTAB kiên quyết sẽ không đưa ra thị trường lao động những "chú gà công nghiệp ngơ ngác". Khi đã có được tay nghề tốt, doanh nghiệp nào cũng cần và họ có thể có cuộc sống vững vàng nhờ vào công việc.
Chính vì vậy, chúng tôi đã ký hợp đồng với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) để nhận sinh viên vào thực tập và làm việc sau khi ra trường. Với 30đơn vị thành viên, lại là doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu của Thủ đô, chắc chắn HADICO sẽ là nơi để các sinh viên được trọng dụng, ươm mầm sáng tạo, phát huy tài năng. Ngoài ra, nhà trường cũng đang triển khai hợp tác với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Không chỉ mở rộng đối tác trong nước, chúng tôi còn hướng tới đối tác nước ngoài và đang đàm phán với các đối tác Singapore, Ấn Độ, Philippines, Nhật, Canada để vừa đào tạo trong nước, vừa đào tạo chuyển tiếp lên cử nhân, thạc sĩ. Hiện trường đang thảo luận với đối tác Philippines để đào tạo các nghề Y tá, Hộ lý, điều dưỡng viên tại Việt Nam, sau đó đưa sang Nhật, Pháp, Canada, Mỹ làm việc.
Để thực hiện những mục tiêu nói trên, nhà trường đã có những giải pháp nào?
Giải pháp đầu tiên của chúng tôi nằm ở việc thiết kế qui trình đào tạo. Để thực hiện mục tiêu 70% thời lượng đào tạo là thực hành thực tế, chúng tôi chia quá trình đào tạo kiến thức chuyên môn làm 3 phần: Phần 1 do các giáo viên có trình độ chuyên môn cao đứng ra giảng dạy (chiếm 30% thời lượng giảng dạy), phần 2 cho các chuyên gia đến từ doanh nghiệp đứng lớp. Họ sẽ đào tạo những kiến thức thực tiễn diễn ra hàng ngày trong doanh nghiệp và sau cùng, sinh viên được đào tạo thực tế ngay tại doanh nghiệp. Giải pháp thứ hai là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hợp tác, liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài.
Xin ông nói rõ hơn về mô hình đào tạo mà trường đang theo đuổi?
Đó là mô hình đào tạo "Nhà trường - Sinh viên - Doanh nghiệp". Đây là mô hình đào tạo không mới về khái niệm nhưng lại mới về cách làm và triển khai. Chúng tôi triển khai mô hình này nhằm hướng tới mục tiêu: Sinh viên ra trường có thể làm tốt ngay được công việc và có được việc làm phù hợp. Các doanh nghiệp hợp tác sẽ cử chuyên gia tham gia giảng dạy những môn học chuyên ngành của trường. Cuối khóa học, sinh viên được đi thực tập tại doanh nghiệp để thực hành kiến thức đã học và có khả năng có thu nhập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.Chúng tôi cũng mời doanh nghiệp đến tư vấn cho trường cách thức đào tạo, chương trình đào tạo sao cho phù hợp với thực tế của công việc. Đổi lại nhà trường sẽ cung cấp các dịch vụ có lợi cho doanh nghiệp như các khóa đào tạo miễn phí nhân sự của doanh nghiệp theo yêu cầu về quản lý, điều hành,marketing...
Xin cảm ơn ông!