Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh tra 4 doanh nghiệp xăng dầu

Lộ diện vi phạm, nghi vấn chiếm dụng Quỹ bình ổn

Anh Tuấn/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Trong số 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối - đã có doanh nghiệp để xảy ra nhiều sai phạm...

Các sai phạm về nghĩa vụ nộp thuế, chưa đảm bảo số lượng đại lý theo quy định, đặc biệt chưa chuyển toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

Một cửa hàng xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Ảnh: Nguyễn Tùng
Một cửa hàng xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Ảnh: Nguyễn Tùng

Doanh nghiệp vi phạm, nợ thuế hàng nghìn tỉ đồng

Sau khi ký Quyết định 1896 về thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Đây là 1 trong 4 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra vừa rồi và cũng là 1 trong số 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cùng với quyết định rút giấy phép, doanh nghiệp này buộc phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Bộ Công Thương và chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Lao Động, đến thời điểm hiện tại, Xuyên Việt Oil vẫn chưa nộp số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước và các cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra về vụ việc này.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 30.6.2023, Công ty Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỉ đồng tiền thuế. Đặc biệt, số tiền Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này cũng là con số rất lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, đối với việc quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo quy định của pháp luật, mỗi một doanh nghiệp đầu mối sẽ phải mở một tài khoản riêng để theo dõi số tiền chi, trích Quỹ Bình ổn theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng kỳ điều hành giá xăng dầu. Còn với trường hợp của Xuyên Việt Oil khi có quyết định rút giấy phép, bắt buộc họ phải nộp vào ngân sách luôn. Nếu họ sử dụng số tiền Quỹ bình ổn với mục đích khác, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và chuyển cơ quan công an điều tra.

Trong diện thanh tra lần này còn có Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Mặc dù Bộ Công Thương chưa công bố kết luận thanh tra của doanh nghiệp này, tuy nhiên, theo nguồn tin của Lao Động, doanh nghiệp này có sai sót khi chưa đảm bảo số lượng đại lý theo quy định. Cụ thể, năm 2021, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà chỉ có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu.

Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cho biết, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ tiền thuế trên 1.736 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp có số nợ tiền thuế lớn nhất của tỉnh Thái Bình.

Hệ lụy khi Quỹ bình ổn xăng dầu được giữ tại doanh nghiệp

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng - cho biết, khoản 26, Điều 1, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu có quy định: "Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá". Trong đó, trường hợp Quỹ bình ổn dương sẽ được tính lãi suất và gộp vào Quỹ bình ổn, trường hợp Quỹ bình ổn âm, doanh nghiệp sẽ được vay lãi suất ưu đãi và trừ vào Quỹ bình ổn khi quỹ dương, hoặc được trả lãi nếu sử dụng nguồn tài chính hợp pháp.

Như vậy, Quỹ bình ổn đặt tại doanh nghiệp và do doanh nghiệp toàn quyền quản lý và sử dụng theo hướng dẫn và chỉ đạo của quản lý Nhà nước về việc trích lập và chi trả Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, từ trường hợp của Xuyên Việt Oil, rõ ràng, Quỹ bình ổn đặt tại doanh nghiệp và Thuế Bảo vệ môi trường là hình thức đặt trứng trong một giỏ. Khi doanh nghiệp làm ăn kinh doanh bết bát, nợ thuế lớn thì sẽ có khả năng bị chiếm dụng, thậm chí chiếm đoạt nguồn quỹ, thuế này của Nhà nước. Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước.

"Do vậy, câu hỏi đặt ra là nếu giao quyền quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn cho doanh nghiệp thì cơ quan Nhà nước có thường xuyên kiểm tra, cập nhật để phát hiện bất thường hay không? Hay chỉ nhận báo cáo của doanh nghiệp qua văn bản mà không được kiểm tra, kiểm chứng?

Nếu để xảy ra tình huống doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chiếm dụng, chiếm đoạt nguồn quỹ, nguồn thuế thì trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước nào? Qua trường hợp của Xuyên Việt Oil cho thấy, "Quỹ bình ổn xăng dầu" trở thành "quỹ bất ổn" phần nhiều do năng lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng; làm mất đi ý nghĩa vốn có của quỹ, hệ luỵ cao hơn gây bất ổn thị trường xăng dầu" - ông Thắng nói