Lỗ hổng trong đào tạo nhân lực văn hoá, nghệ thuật

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, thông tin về việc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất cho NSND tính tương đương với tiến sĩ trong hoạt động giảng dạy khiến dư luận xôn xao. Qua câu chuyện này cũng bộc lộ nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật.

Trên các diễn đàn, những người quan tâm đến nghệ thuật có dịp chia sẻ trăn trở về đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, đặc thù.

Khan hiếm đầu vào

Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là một ngành nghề đặc thù đòi hỏi quá trình liên tục, thường xuyên, lâu dài. Bởi tài năng nghệ thuật gắn liền với yếu tố bẩm sinh cũng như truyền thống nghệ thuật của gia đình, dòng họ.

Hình ảnh trong vở kịch "Antigone" của đạo diễn Trần Lực. Ảnh: Lại Tấn.
Hình ảnh trong vở kịch "Antigone" của đạo diễn Trần Lực. Ảnh: Lại Tấn.

Tuy nhiên, có một quy luật nghiệt ngã trong nghệ thuật là thời gian đào tạo, huấn luyện dài, gian khổ nhưng khoảng thời gian tỏa sáng, thăng hoa lại mang tính thời điểm, gắn liền với giai đoạn sung sức nhất của nghệ sĩ.

Khi bước sang tuổi trung niên, nhiều nghệ sĩ ở một số loại hình nghệ thuật bắt đầu giải nghệ, lui vào cánh gà hoặc đảm nhận những công việc hành chính khác.

Đặc thù là thế nhưng lâu nay việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật thường bị hòa lẫn với mọi ngành nghề đào tạo khác, cào bằng chung, không có sự phân biệt rõ ràng bằng những cơ chế, chính sách đủ mạnh.

Việc tuyển dụng tài năng nghệ thuật vẫn thực hiện theo Luật Cán bộ, Luật Công chức, viên chức với những chỉ tiêu, quy trình hướng dẫn chặt chẽ. Cơ chế đặc thù, đặc cách trong tuyển dụng, trọng dụng tài năng nghệ thuật vẫn chưa được thông thoáng.

Điển hình là trường hợp hai nghệ sĩ ưu tú xiếc trẻ nhất Việt Nam: Quốc Cơ và Quốc Nghiệp (hai anh em đã nắm giữ cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới) đã bị rớt trong đợt xét tuyển đặc cách viên chức do Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh tổ chức do thiếu văn bằng, chứng chỉ.

Diễn viên xiếc biểu diễn. Ảnh: Lại Tấn
Diễn viên xiếc biểu diễn. Ảnh: Lại Tấn

Thực tế trên cho thấy, lỗ hổng trong nhân lực văn hoá, nghệ thuật đã được dự báo trước. Ngay trong công tác đào tạo, tuyển sinh lĩnh vực này nhiều năm qua luôn trong tình trạng không có học viên đăng ký tham gia.

NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), số lượng diễn viên trong độ tuổi 20 – 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%; từ 25 – 30 cũng chỉ chiếm 42,3%.

Thậm chí, có trường phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên, như Đại học Nghệ thuật Huế. Một số trường phải đóng ngành đào tạo vì không có người học.

Nhiều năm qua, các đơn vị sân khấu truyền thống hàng đầu như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... luôn không tuyển đủ chỉ tiêu về lượng diễn viên. Đó là chưa kể trong thời gian này, nhiều người đã bỏ dở giữa chừng, vì tự thấy không đủ khả năng.

Đơn cử như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua không đào tạo diễn viên tuồng vì không có học viên. Tình hình đào tạo diễn viên chèo, cải lương, múa rối cũng trong tình trạng “năm có, năm không”. Cá biệt, khoa đào tạo kịch hát dân tộc cũng phải ngừng vì không có học viên.

Đáng buồn hơn, các môn biểu diễn nhạc cụ như tỳ bà, sáo... tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng không có người theo học.

Hiến kế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực

Để phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật.

Trong đó coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng, phát triển công nghệ cũng như hợp tác trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; đầu tư cho các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, tạo môi trường hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên; bảo đảm tốt các điều kiện để thực hành nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo.

 

Theo đề án của Bộ GD&ĐT về đào tạo ở nước ngoài, riêng với Nga, ngành văn hóa, nghệ thuật có 1.000 suất học bổng hàng năm nhưng không đủ người để đi học. Bộ VHTT&DL hiện có 2 đề án đào tạo trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài. Hàng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh các em trong độ tuổi, đáp ứng nhu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo nước ngoài để đưa đi. Đơn cử, như lĩnh vực điện ảnh trong 3 năm qua vừa qua, chúng tôi đã đưa 30 học sinh tới Mỹ, Australia học đại học và trên đại học, âm nhạc cũng vậy. Đối với ngành múa hay xiếc, trong những năm tới, xúc tiến việc đưa các cháu nhỏ tuổi hơn đi học từ hệ trung cấp.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông