Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng nóng trong một thời gian ngắn đã khiến cơ chế chính sách chưa theo kịp và đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Mua hàng từ website thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Hải
Dư địa phát triển lớn
Thống kê của Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, TMĐT Việt Nam đang có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Quy mô thị trường TMĐT tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm; Năm 2018 tổng doanh thu ngành TMĐT Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm 2017, số lượng khách mua hàng thông qua TMĐT đạt 49,8 triệu người… đưa Việt Nam lọt vào top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.
Việc quản lý thuế TMĐT hiện nay rất khó khăn, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, các giao dịch TMĐT diễn ra trên môi trường mạng khó kiểm chứng thông tin nhận dạng người bán. Việt Nam vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu, chiếm 91,8% nên khó quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng
Trưởng phòng Chính sách - Cục TMĐT & Kinh tế số Lê Thị Hà cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến 30%. Đáng chú ý, có nhiều sàn TMĐT Việt Nam gồm: Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sendo... đã chính thức lọt vào Top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 10 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/năm thông qua mua sắm online. Trong đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP; 100% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô giao dịch TMĐT Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet thường xuyên cao hơn các nước khác đây là cơ sở để TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra việc phát triển TMĐT xuyên biên giới cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Thách thức không nhỏ

Mặc dù dư địa phát triển TMĐT còn rất lớn song cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Phó Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, để tạo hành lang pháp lý quản lý TMĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Năm 2018, khảo sát 1.000 DN của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có 61% DN đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, hơn 50% số DN tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ TMĐT chiếm từ 30 - 50% tổng doanh thu của DN.
Cụ thể, công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở hai mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động. Đây là thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí giả mạo các DN uy tín để lừa đảo người mua gây thiệt hại kinh tế và niềm tin người tiêu dùng.

Nói về bất cập của TMĐT Phó Tổng Giám đốc Công ty Sen Đỏ (Sendo.vn) Lê Anh Huy cho rằng: Đặc thù của các giao dịch TMĐT là người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, người mua cũng không tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa trước khi mua nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như sản phẩm được giới thiệu về cả mẫu mã, chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo và người mua đã thanh toán tiền trước thì phần thiệt luôn là người mua. Thêm vào đó, những món hàng mua qua TMĐT thường là hàng tiêu dùng, có giá trị nhỏ nên người mua cũng ngại khiếu nại để đòi quyền lợi cho mình.

Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT Việt Nam phát triển bền vững.