Lỗ hổng trong quản lý xe ba bánh

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội có chủ trương cho phép một bộ phận thương binh được sử dụng xe ba bánh làm phương tiện đi lại, nhưng, những bất cập trong công tác quản lý đã tạo điều kiện cho hàng ngàn đối tượng giả danh ăn theo.

Điều đó, khiến cho công tác quản lý xe ba, bốn bánh gặp không ít khó khăn.

Vấp từ chính… thương binh

Theo thống kê của Công an TP, năm 2016, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 30 xe ba bánh được ngành chức năng đăng ký đứng tên các thương binh, số còn lại (khoảng 99%) là chưa được quản lý; đã kiểm tra, xử lý trên 6.900 trường hợp, phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 342 xe ba bánh các loại. Thế nhưng, bất chấp sự kiểm tra gắt gao của các lực lượng chức năng, tình trạng xe ba bánh chở hàng cồng kềnh, giả danh thương binh, vi phạm các quy định của luật giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý chủ phương tiện sử dụng xe ba bánh trên đường Hoàng Cầu. Ảnh: Công Trình

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Tú – Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, mặc dù là đơn vị nằm trong tốp đầu Phòng CSGT về số lượng xử lý xe ba bánh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, giả danh thương binh. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi chính từ phía các thương binh. Theo Trung tá Lê Tú, nhiều trường hợp giả danh thương binh khi bị kiểm tra, xử lý đã lập tức bỏ chạy, nhưng khoảng nửa tiếng sau xuất hiện một, thậm chí là nhóm thương binh ra nhận là xe của mình, gây khó khăn cho việc xử lý.

Đáng nói, không chỉ gây áp lực tại chốt xử lý, nhiều trường hợp còn kéo lên tận trụ sở của Đội, Phòng CSGT mắc võng nằm chờ trên xe, gây áp lực để xin xe vi phạm. “Theo quy định, mỗi thương binh chỉ được phép có một xe làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, với lý do xe cũ, hỏng, mất, không ít thương binh giờ đã sở hữu… gần chục xe. Và dùng không hết, không ít lái xe còn cho thuê, bảo kê cho người khác chở hàng” – lãnh đạo một Đội CSGT chia sẻ.

Đã đến lúc nói không với xe ba bánh?

Trong những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có không ít văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc xử lý xe ba bánh tự chế. Tại Hà Nội, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Công an TP dù vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa được như kỳ vọng. "Dù lực lượng CSGT Hà Nội có đông nhưng cũng không đủ sức căng mình 24/24 giờ tại tất cả các tuyến đường, nút giao để xử lý vi phạm. Do đó, điều quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đặc biệt là việc xử lý các cơ sở sản xuất xe ba bánh chui, không đảm bảo chất lượng" - ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định.

Dù tán thành việc cần xử lý nghiêm những đối tượng điều khiển xe ba bánh giả danh thương binh, thế nhưng ông Ngô Thời Bình – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Nhân đạo Tây Trường Sơn lại cho rằng, nhiều thương binh do tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức khỏe điều khiển xe ba bánh liên tục nên đã giao cho con cháu sử dụng để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, các cơ quan chức năng nên xem xét cho họ được phép điều khiển thay.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, nếu đã cấm sử dụng xe ba bánh để chở hàng thì phải cấm tất cả, không phân biệt xe của thương binh thật hay giả. Cùng với đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu sản xuất những loại xe phục vụ cho việc di chuyển thương binh, người khuyết tật, không nên sử dụng xe ba bánh như hiện nay. Bởi, đây là loại xe phổ thông, rất khó nhận biết thật - giả bằng mắt thường.

Nếu chủ phương tiện đã được công an xã, phường và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và ký cam kết không sử dụng xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp nhưng vi phạm lần đầu thì xử phạt hành chính, trả phương tiện, yêu cầu chủ phương tiện dỡ bỏ thùng xe, không tham gia vận chuyển hàng hóa. Nếu tái phạm, lực lượng chức năng xử lý nghiêm, tịch thu phương tiện theo đúng quy định.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương

Giám đốc Công an TP Hà Nội