Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo lắng khoảng trống pháp lý trong giải quyết nợ xấu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nợ xấu gia tăng trong khi hành lang pháp lý cho thu hồi nợ tới đây thiếu hụt khiến các ngân hàng lo lắng. Các nhà băng mong chờ khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu sớm hoàn thiện để việc xử lý nợ xấu dễ dàng hơn.

Nợ xấu gia tăng trong khi hành lang pháp lý cho thu hồi nợ tới đây thiếu hụt khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ. Ảnh: Phạm Hùng
Nợ xấu gia tăng trong khi hành lang pháp lý cho thu hồi nợ tới đây thiếu hụt khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ. Ảnh: Phạm Hùng

Nợ xấu tăng, tài sản thanh lý “ế”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, gấp đôi so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%. Tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo. Nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, điều này sẽ gây áp lực đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại.

Từ đầu năm đến nay, nhất là giai đoạn cuối năm, các ngân hàng tăng tốc rao bán các loại tài sản thế chấp để thu hồi, xử lý nợ xấu. Nhưng dù nhiều ngân hàng đã đưa ra giá “mềm” hơn, việc đấu giá vẫn “ế ẩm”. Nguyên nhân chính khiến cho hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là do thị trường bất động sản đang đóng băng và các vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản còn nhiều khiến người mua dè dặt hơn.

 

Nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng. Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý để tất cả xã hội có sự bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận, việc thanh lý tài sản trong thời gian vừa qua rất khó khăn. Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý do thị trường nhà đất gần như đóng băng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, một lý do nữa khiến cho việc thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là vì định giá phát mại tài sản nhiều khi không theo giá thị trường mà thường được tính gộp gốc và lãi, mỗi lần chiết khấu từ 5 - 10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được.

Đại diện một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho hay, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc khiến ngân hàng e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ. Đó là chưa kể việc phát mại, khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém nhiều chi phí. Trên thực tế, có nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến lúc thi hành án, phát mại tài sản mất tới 2 - 3 năm, thậm chí lâu hơn.

Những nguy cơ từ tăng trưởng tín dụng chậm lại

Đến ngày 30/1/2024 có hơn 20 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023. Tính chung cả năm, có những ngân hàng lãi tỷ USD, song cũng có nhiều nhà băng hụt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận, và cùng với đó là nợ xấu cũng phình to.

Tại một ngân hàng, tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 chiếm gần 30% tổng dư nợ và tăng 92% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 giảm mạnh, trong khi tăng vọt ở nhóm 5, từ 3.280 tỷ đồng lên 13.665 tỷ đồng.

Tương tự, tại ACB, cuối năm qua, nợ xấu đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023. Đáng chú ý, dù quy mô nợ xấu tăng, song đây vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống khi chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay.

Tại TPBank, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% hồi đầu năm lên 2,05%. TPBank đã phải dùng tới 1.970 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV, gấp 17 lần cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 1.855 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ngân hàng phải trích lập 3.946 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm trước.

MSB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên mức 1.647 tỷ đồng, tăng 244% so với năm 2022 trong bối cảnh tổng nợ xấu tính đến cuối năm của ngân hàng này ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Nhiều ngân hàng cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh, như BaoViet Bank với 1.654 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm; BacABank với gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm; PGBank với 906 tỷ đồng, tăng 22%...

Theo thống kê, trong năm 2024, tổng lượng trái phiếu DN đáo hạn khoảng hơn 297.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nhóm bất động sản. Hiện tại, NHNN đang cân nhắc gia hạn thêm thời gian hiệu lực của Thông tư 02. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng niêm yết vẫn tăng lần lượt là 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối quý III/2023. Theo các công ty chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt…

Khoảng trống pháp lý

Trong khi phải đối mặt nguy cơ nợ xấu tăng, các tổ chức tín dụng còn phải lo lắng thêm về hành lang pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu, mà sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung thêm các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42) chưa được Quốc hội thông qua.

“Đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu để hỗ trợ DN trong xử lý nợ xấu”- Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đề nghị. Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cũng đề xuất, cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ người cho vay khi có nợ xấu. Có như vậy mới đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, trước khi có Nghị quyết 42, ở nhiều trường hợp, ngân hàng đòi nợ rất khó khăn, phát mãi tài sản không được, thu giữ tài sản không xong, đôn đốc đòi nợ không được, khách hàng bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý... Tuy nhiên, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành đã có tác dụng rất tích cực hỗ trợ ngành ngân hàng trong thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ. “Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Do vậy, tôi rất mong muốn Nghị quyết sẽ kéo dài thêm”- TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đề xuất thêm: “Trường hợp không ban hành được luật xử lý nợ xấu thì trong thời gian kéo dài Nghị quyết 42 tôi mong muốn NHNN phối hợp với các bộ, ngành rà soát Luật Các tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan trên cơ sở rút kinh nghiêm quá trình thực thi Nghị quyết 42 để sửa đổi bổ sung đồng bộ luật này với các bộ luật liên quan như: Bộ Luật dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế, Luật đất đai, Luật Nhà ở... để Chính phủ, Quốc hội không phải quan tâm lo lắng vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.

 

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc… đều cho thấy, mở cửa thị trường mua bán nợ là giải pháp nhanh và hữu hiệu nhất trong xử lý nợ xấu. Để giải quyết nợ xấu nên cho phép tổ chức phi ngân hàng tham gia mua bán nợ xấu ngân hàng và cho họ kế thừa đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn với các khoản nợ xấu được mua.
Cán bộ quốc gia cao cấp IFC Việt Nam Darryl Dong