Lò luyện thi hết “nóng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm trước, cứ giáp mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là các lò luyện...

Kinhtedothi - Những năm trước, cứ giáp mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là các lò luyện thi lại “sốt xình xịch”, thí sinh (TS) từ khắp nơi rồng rắn đổ về đăng ký ôn luyện từ trước mấy tháng. Nhưng năm nay, sau khi Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, tại Hà Nội, những nơi vốn được xem là “tụ điểm” ôn luyện như khu Bách khoa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… không còn thấy không khí “vào vụ”.

Vắng bóng sĩ tử

Thời điểm này những năm trước, các lò luyện thi cấp tốc tại Hà Nội đã “nóng” hầm hập. “Nóng” vì đông và “nóng” vì mức học phí ngất ngưởng. Như mùa tuyển sinh 2014, các lò luyện thi mỗi ngày đón cả ngàn sĩ tử từ các nơi đổ về ôn luyện. Có những ca gần 200 con người chen nhau trong một phòng học có diện tích chưa đầy 80m2. Các lò luyện thi hoạt động hết công suất, phải tăng ca, kín lịch... Các con phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, phía sau ĐH Y, Chùa Bộc... nổi tiếng là “phố lò luyện” với san sát các trung tâm luyện thi là lựa chọn số một của các sĩ tử. Tuy nhiên, năm nay, mùa tuyển sinh sắp cận kề, các con phố này vẫn vắng bóng học viên.
Một trung tâm luyện thi trên đường Lê Thanh Nghị thường xuyên trong tình trạng đóng cửa. 		Ảnh: Phạm Hùng
Một trung tâm luyện thi trên đường Lê Thanh Nghị thường xuyên trong tình trạng đóng cửa. Ảnh: Phạm Hùng
Chị Thanh Tuyết – chủ một cửa hàng photocopy trong ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu cho biết: “Tầm này năm ngoái, rất đông TS ở các trung tâm luyện thi xung quanh đến cửa hàng photo tài liệu, có ngày làm không xuể. Thế nhưng năm nay vắng hơn rất nhiều, tính ra mỗi ngày có chưa đầy chục khách”. Cũng theo chị Tuyết, năm nay, rất nhiều trung tâm luyện thi chuyển đổi mục đích sử dụng do không có người học. Dạo một vòng xung quanh phố Tạ Quang Bửu theo lời chỉ dẫn của chị Tuyết, thấy có lò luyện đã trở thành nhà kinh doanh internet, nhà thì mở dịch vụ photocopy...

Tại các trung tâm luyện thi ở khu vực ĐH Y, tình hình cũng tương tự. Tìm kiếm rất lâu quanh khu vực này mới thấy một, hai nhà đăng biển chiêu sinh, nhưng cảnh chung là sự vắng vẻ, người đến đăng ký học rất ít. Em Hoàng Minh Hà – học sinh lớp 12, trường THPT Đống Đa chia sẻ: “Em đã chủ động đến đăng ký học ở trung tâm từ sớm vì nghe nói mọi năm đến muộn không đăng ký được. Nhưng khi vào học thì chỉ có chưa đầy 30 bạn”.

Áp lực thi cử giảm

Có thể khẳng định, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, mà trước tiên là đổi mới trong việc đánh giá, thi cử, đã có tác động không nhỏ tới việc “dùi mài kinh sử” của TS trong mùa tuyển sinh 2015 – năm đầu tiên áp dụng kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích. Lò luyện thi cấp tốc đã không còn là phương pháp được các em ưu tiên lựa chọn như những năm trước. Em Đỗ Trường Giang - học sinh lớp 12, trường THPT Đống Đa chia sẻ: “Em không có ý định đi học ở lò luyện thi, vì học ở trường cộng với học thêm ngoài giờ đã kín thời gian. Hơn nữa, học ở lò luyện thi sẽ đông và khó tiếp thu, nhiều lúc có chỗ mình không hiểu muốn hỏi thầy rất khó khăn. Em nghĩ “học lò” chưa chắc đã hiệu quả bằng học ở trường và tự tìm tòi tài liệu học ở nhà, nhất là năm nay, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của nhà trường thì đề thi THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, học sinh chỉ cần nắm chắc chương trình là có thể đạt yêu cầu”.

Về phía các nhà trường, ngoài việc đảm bảo chương trình học cũng chú trọng việc ôn tập cho học sinh từ sớm. Cô Nguyễn Bích Ngọc - giáo viên dạy môn Toán, trường THPT Thực nghiệm cho biết: “Năm nay, do Quy chế thi thay đổi nên việc dạy học và hướng dẫn các em có đôi chút khó khăn. Nhà trường tập trung cho các em ôn tập sát với chương trình sách giáo khoa và các dạng đề thi. Đối với các môn xã hội và năng khiếu, nhà trường thường xuyên chia sẻ, tư vấn, cùng bàn luận các vấn đề trong xã hội để tăng cường kỹ năng nhìn nhận vấn đề cho các em”.

Năm nay, tháng 7, TS mới bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, các trường THPT đã lên phương án ôn luyện cho các em đến hết tháng 6, khác với mọi năm là TS nghỉ một tháng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để ôn luyện cho kỳ thi vào ĐH, CĐ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều sĩ tử không có thời gian đi học ở lò luyện thi. Tuy nhiên, lý do lớn nhất mà rất nhiều sĩ tử khi được hỏi cho biết không đến lò luyện vì cảm thấy không cần thiết và không thích hợp. Từ các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo, cho đến các nhà quản lý giáo dục cũng khẳng định: Không cần thiết phải đến các lò luyện thi.

Như vậy, bước đầu đã nhìn thấy có những thay đổi rõ nét mà chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh mang lại: Không còn cuộc chạy đua đầy mệt mỏi ở các lò luyện thi, không còn cảnh TS vất vả khăn gói lên TP thuê trọ để ôn luyện, tốn kém mà chưa biết kết quả có được như ý muốn… Rõ ràng, áp lực thi cử nặng nề đã giảm đi trông thấy trong mùa tuyển sinh năm nay.