Lò mổ có thương hiệu vẫn dính chất cấm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/2, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn một tháng ra quân kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ trên địa bàn TP đã phát hiện trên 1.500 con heo dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc, tăng trọng).

Trong đó, nhiều heo tại các lò mổ có uy tín, thương hiệu vẫn dương tính với chất cấm Salbutamol.
Cán bộ Chi cục Thú y lấy mẫu heo để kiểm định chất cấm.
Cán bộ Chi cục Thú y lấy mẫu heo để kiểm định chất cấm.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã lấy tổng số 276 lô heo tại 5 lò mổ trên địa bàn TP xét nghiệm và phát hiện có 32 lô với tổng đàn 1.536 con heo dính chất cấm. Trong đó 3 lò mổ có số lô dính chất cấm cao lần lượt gồm An Hạ (10 lô), Phước Kiển (8 lô), Nam Phong (4 lô). Hàm lượng tồn dư chất cấm đợt này ở mức từ 34 - 1.400bbp, tức gấp 700 lần mức cho phép.

Trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, vì sao heo được giết mổ tại các lò mổ lớn có giấy phép hoạt động, được thú y kiểm tra qua nhiều khâu (trước khi xuất chuồng, đưa đến lò giết mổ nhưng vẫn có nhiều lô tồn dư chất cấm? Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP cho biết, hiện trong quy định kiểm dịch trước khi cho đàn heo xuất bán ra thị trường chưa có nội dung kiểm tra chất cấm (?!).
Từ ngày 1/7/2016, bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Theo đó, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 317 tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm…

Ông Nguyên cho rằng, heo đã được thú y kiểm tra ngay từ hộ chăn nuôi từ các tỉnh, TP trước khi vào TP để đến các lò mổ. Cùng với đó, tại các lò mổ lớn đều có đội thú y thường xuyên kiểm tra heo trước và sau khi giết mổ. Nhưng cũng chỉ kiểm tra về số lượng và dịch bệnh, sức khỏe. Nếu thấy nghi ngờ thì mới tách riêng lô, lấy mẫu đưa đi kiểm định. Thú y tại lò mổ chưa thể kiểm tra ngay heo có chứa chất cấm hay không, bởi muốn vậy thì cần phải có đoàn thanh tra trong quá trình lấy mẫu. Nếu thấy nghi ngờ (bằng mắt) thì thú y địa phương mới báo lên Chi cục Thú y TP để được hỗ trợ. “Tuy nhiên, không phải vì chưa có quy định kiểm tra chất cấm nên chúng tôi lơ là trong khâu kiểm tra. Chi cục vẫn thường xuyên tổ chức nhiều đợt kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các lò mổ. Lấy mẫu và kiểm định ngay tại chỗ. Nếu phát hiện chất cấm vượt ngưỡng cho phép sẽ giữ lại và có biện pháp xử lý quyết liệt với tình trạng này” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Sau khi Chi cục Thú y TP công bố danh sách các lò mổ có heo dương tính với chất cấm Salbutamol, lò mổ An Hạ có kinh doanh heo sạch VietGap “kêu oan”, rằng: “Số heo dương tính với chất cấm Salbutamol được thú y phát hiện tại lò mổ của An Hạ là heo giết mổ gia công”. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP khẳng định: “Phía lò mổ An Hạ cũng phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi các thương lái thường xuyên có heo dính chất cấm để không tiếp tục ký hợp đồng tham gia giết mổ tại lò”.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần