Lo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu duy trì ở mức cao

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 4/5, giá "vàng đen" vẫn duy trì mức ổn định sau 2 phiên tăng liên tiếp do nhà đầu tư lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khiến nguồn cung toàn cầu bị thiếu hụt.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 68,42 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu Brent giảm nhẹ 3 xu Mỹ, khoảng 0,04% xuống 73,59 USD/thùng sau khi tăng lên mức 73,80 USD/thùng ở đầu phiên.
Giá dầu vẫn duy trì mức đỉnh trong 3,5 năm thiết lập được từ tuần trước.
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong những phiên gần đây do tình hình căng thẳng địa chính trị đe dọa nguồn cung dầu bị gián đoạn. Các nhà đầu tư dầu gia tăng lo ngại Mỹ có thể tái áp lệnh trừng phạt đối với Iran, một nước xuất khẩu dầu hàng đầu tại khu vực Trung Đông.
Ngày 3/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố những yêu cầu của Mỹ về thay đổi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc phương Tây là không thể chấp nhận được. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ dự kiến ra quyết định trước ngày 12/5.
Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran không được điều chỉnh theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhiều khả năng Mỹ sẽ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào ngày 12/5 và tái áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Khi đó, mức xuất khẩu dầu của Tehran có thể giảm mạnh khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt.
"Mức giá dầu hiện nay phản ánh lo ngại xung quanh bất ổn về Iran. Các nhà đầu tư lo về nguồn cung suy giảm sau khi Iran đưa ra một lập trường cứng rắn với Mỹ", ông Wang Xiao, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu lửa thuộc Guotai Junan Securities, nhận định.
Ngay sau phát biểu của Ngoại trưởng Iran, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 50 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 68,43 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 3/5. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 26 xu Mỹ, khoảng 0,4%, lên 73,62 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều tăng giá trong phiên trước đó sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo Venezuela về việc tuân thủ một số biện pháp cải cách.
Tyler Richey, đồng chủ bút tờ Sevens Report, chỉ ra 2 yếu tố tích cực đối với giá dầu hiện nay là dự đoán Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 4 dưới mục tiêu của tổ chức này.
Theo khảo sát của Bloomberg, các thành viên của OPEC khai thác 31,93 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4, thấp hơn mức 31,97 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 68,42 USD/thùng. 
Hiện giá năng lượng thế giới vẫn đang duy trì quanh mức đỉnh trong  3,5 năm thiết lập vào tuần trước. Theo nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters, các cường quốc châu Âu vẫn muốn gửi đến Tổng thống Mỹ một kế hoạch để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran vào tuần tới. Tuy nhiên, châu Âu cũng đã bắt đầu có hành động để bảo vệ các lợi ích kinh doanh của họ tại Iran trong trường hợp Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận.
Iran đã giành lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào tháng 1/2016, khi nước này được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc Tehran kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân.
Nỗi lo về thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ hỗ trợ giá dầu đi lên trong những ngày tới, song đà tăng có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn cung dầu gia tăng ở Mỹ.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng thêm 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/4. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ đã thiết lập một kỷ lục mới đạt tới 10,619 triệu thùng/ngày.
Với mức sản lượng này, Mỹ hiện là nước sản xuất nhiều dầu lớn thứ 2 thế giới, vượt Ả Rập Saudi, chỉ sau Nga. Trong khi đó, Ả Rập Saudi vẫn là nước xuất khẩu nhiều dầu nhất thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần