Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại cách làm nửa vời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị công bố để xin ý kiến đóng góp thì sẽ không cho điểm thường xuyên đối với học sinh (HS) ở bậc này, thay vào đó là lời nhận xét của giáo viên (GV).

Tuy nhiên, dự thảo này đang có nhiều ý kiến trái chiều.Theo dự thảo, việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học sẽ không sử dụng phương thức cho điểm. GV nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của HS về mức độ hiểu biết, khả năng thao tác, giúp HS khắc phục nhược điểm, khuyến khích sự tiến bộ trong quá trình học của HS. 

Giảm áp lực chạy đua thành tích

Nhận xét về dự thảo quy định này, chị Nguyễn Thị Nga (phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) có con năm nay lên lớp 3 bày tỏ: "Nhiều gia đình khi thấy con điểm kém sẽ có tâm lý chạy chọt, mua điểm, nảy sinh nhiều tiêu cực. Vậy nên, bỏ chấm điểm, chỉ nhận xét là hợp lý, tránh được tiêu cực, tránh được cả việc dạy thêm, học thêm, các con học sẽ nhẹ nhàng và đỡ áp lực hơn". 
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học La Thành, quận Đống Đa.        Ảnh: Văn Lê
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học La Thành, quận Đống Đa. Ảnh: Văn Lê
Đồng quan điểm với chị Nga, khá nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, đây là một sáng kiến trong cải cách giáo dục, bởi không gây áp lực cho các em, không gây tiêu cực cho thầy cô giáo, tạo sự phát triển tự nhiên ở lứa tuổi này. Cô Nguyễn Thị Phúc (GV đã nghỉ hưu, quận Đống Đa) nhận định: Lâu nay, giáo dục của Việt Nam quá nặng "bệnh thành tích". Ngay từ lớp 1, hầu hết phụ huynh HS đều mong muốn con xếp loại giỏi và tá hỏa cho con đi học thêm. Nhưng ít ai nghĩ rằng, chính các bố, các mẹ đang gây áp lực cho con và hậu quả là con lúc nào cũng nơm nớp với nỗi lo… điểm số. 

Vẫn còn băn khoăn

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng khá nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại với đề xuất không chấm điểm đối với bậc tiểu học. Ông Nguyễn Văn Tô (giảng viên ĐH, ở phố Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Việc bỏ cho điểm là không hợp lý, cần giữ nguyên hình thức xếp loại bằng điểm. Việc cho điểm cũng sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được sức học của con để có sự đầu tư, hỗ trợ phù hợp. Khi có thang điểm, được điểm giỏi (điểm 10) sẽ khích lệ trẻ thêm hăng say học tập, điểm kém, trẻ cũng biết xấu hổ để cố gắng hơn". Một GV trường THCS Trung Giã (Sóc Sơn - Hà Nội) bày tỏ: "Bỏ điểm có thể không áp lực cho HS, tránh tiêu cực nhưng ngược lại, phụ huynh khó biết con mình tiếp thu kiến thức đến đâu. Ngoài ra, GV sẽ vất vả hơn, bởi đã nhận xét phải chi tiết tỷ mỉ từng HS, trong khi một lớp có 45 - 55 HS, bản thân mỗi GV một năm nhận xét, phê học bạ một lần qua điểm số còn mệt nhoài. Căn cứ điểm số mới biết được chất lượng". Cũng theo GV này, việc chấm điểm, HS, GV bị áp lực, căng thẳng có nhiều nguyên nhân. Về phía GV, nặng về phương pháp nhồi nhét kiến thức, không xác định được yêu cầu cơ bản của bài học nên gây áp lực cho HS. 

Là những GV trực tiếp đứng lớp, gánh trách nhiệm nên khi có thông tin chỉ nhận xét, không chấm điểm HS khiến nhiều GV bức xúc. Có GV bày tỏ, nếu muốn thay đổi, phải có cơ chế quản lý, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Mục tiêu cuối cùng, làm sao để HS thích học, ham học, còn việc bỏ chấm điểm, chuyển sang nhận xét cũng chỉ là cách làm nửa vời, không giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc "không chấm điểm, tăng nhận xét" sẽ giúp GV có cơ hội khích lệ và có những nhận xét, góp ý cụ thể với mỗi HS. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của HS theo định kỳ, Bộ vẫn dự kiến quy định cho điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10, nhưng không cho phép cho điểm 0 và điểm thập phân. Bài kiểm tra định kỳ cũng vẫn phải nhận xét kỹ lưỡng, góp ý cho HS, nghiêm cấm bài kiểm tra chỉ cho điểm, không có nhận xét…

Về tình trạng nhiều trường THCS ở TP đặt ra quy định "5 năm học sinh giỏi" trong tuyển sinh là nguyên nhân chính gây áp lực chạy theo danh hiệu ở tiểu học, ông Phạm Ngọc Định cho biết, Vụ Giáo dục tiểu học sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo để có những quy định đổi mới ở cấp học tiếp theo, nhằm thay đổi đồng bộ, tránh tình trạng "gây áp lực về thành tích, danh hiệu" như thực tế đã có ở nhiều địa phương.