Sản xuất miến dong tại làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm xã Minh Khai (huyện Hoài Đức). Ảnh: Lâm Nguyễn |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) là tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực và biện pháp chỉ đạo. Đối với bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề, thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Một trong những khó khăn hiện nay đối với công tác bảo vệ môi trường làng nghề là các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư có diện tích chật hẹp, hoạt động không thường xuyên, có tính chất thời vụ. Do đó, hầu hết chưa quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường.Bên cạnh đó, việc di dời các hộ sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư trên địa bàn Hà Nội hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các hộ dân thiếu kinh phí để thuê nhà xưởng tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề tập trung. Hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề nhìn chung cũng chưa đáp ứng yêu cầu.Để giải quyết bài toán môi trường làng nghề, nhiều chuyên gia, nhà quản lý khuyến nghị cần quy hoạch, tổ chức, phân bố lại sản xuất bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại hình kinh tế. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề… Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn ở các cấp huyện, xã cần được thực hiện thường xuyên, đa dạng hình thức hơn. Đặc biệt, cần có chế tài xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề.