Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua, xung đột đã leo thang nhanh chóng tại phần lớn khu vực phía đông và phía nam Ukraine.
Tuy nhiên, cuộc giao tranh nhằm vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở phía nam, do quân Nga kiểm soát được trong giai đoạn đầu của chiến sự nhưng vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine điều hành, đã làm dấy lên viễn cảnh về một thảm họa rộng lớn hơn.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết trong một tuyên bố hôm 6/7 rằng ông vô cùng lo ngại về vụ pháo kích tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Cả hai bên đều cáo buộc nhau tham gia vào "khủng bố hạt nhân".
Công ty điện hạt nhân quốc gia Ukraine Energoatom đổ lỗi cho Nga về thiệt hại trong khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc lực lượng Ukraine đã pháo kích vào nhà máy.
Mỹ cáo buộc Nga sử dụng nhà máy như một "lá chắn hạt nhân" trong khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết thiệt hại đối với nhà máy chỉ có thể tránh được nhờ "các hành động khéo léo, có thẩm quyền và hiệu quả" của các đơn vị của họ.
Ông Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, cũng kêu gọi tất cả các bên thực hiện "sự kiềm chế tối đa".
Các quả đạn đã va vào một đường dây điện cao thế tại cơ sở hạt nhân này hôm 5/8, khiến khu vực điều hành nhà máy buộc phải ngắt kết nối một lò phản ứng mặc dù không phát hiện thấy rò rỉ phóng xạ.
Trong khi sự chú ý của thế giới tập trung vào nhà máy hạt nhân, cuộc chiến vẫn đang diễn ra ở phía đông và phía nam.
Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực Donbas ở phía Đông, bao gồm các tỉnh Luhansk và Donetsk, nơi lực lượng ly khai thân Moscow chiếm giữ lãnh thổ sau khi Điện Kremlin sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 6/8 cho biết, trong tuần qua lực lượng của họ đã "đạt được những kết quả mạnh mẽ" trong việc phá hủy các nguồn cung cấp hậu cần và các căn cứ hậu phương của Nga.