Lo ngại xung đột Nga-Ukraine, Anh dời đại sứ quán khỏi thủ đô Kiev

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Anh cho biết đang di chuyển Đại sứ quán Anh tại Ukraine từ thủ đô Kiev tới thành phố Lvov, , đồng thời khuyến cáo công dân về nước.

Theo cơ quan ngoại giao Anh, một số nhân viên của đại sứ quán nước này ở Kiev, Ukraine đã được chuyển tới thành phố Lvov. 

Quang cảnh trước Đại sứ quán Anh tại Kiev, Ukraine ngày 24/1/2022.
Quang cảnh trước Đại sứ quán Anh tại Kiev, Ukraine ngày 24/1/2022.

“Văn phòng Đại sứ quán Anh tại thủ đô Kiev, Ukraine, đang tạm thời chuyển địa điểm. Nhân viên đại sứ quán vẫn hoạt động từ Văn phòng Đại sứ quán Anh ở Lviv”, hãng tin Tass dẫn thông cáo từ Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh (FCDO) nêu rõ.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi công dân Anh nên rời khỏi Ukraine. Những ai chọn ở lại cần luôn cảnh giác trong bối cảnh các hoạt động giao tranh vẫn tiềm ẩn, lên kế hoạch rời khỏi Ukraine và đảm bảo các giấy tờ đi lại của họ được cập nhật," thông cáo của FCDO cho biết thêm.

Trước đó, hôm 15/2, Ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo Đại sứ quán Anh đã chuyển một số nhân viên của mình đến Lvov do lo ngại về cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, bà Truss nói rằng vẫn có đại diện ngoại giao ở Kiev.

Mỹ ngày 14/2 thông báo chuyển hoạt động của đại sứ quán ở Kiev đến Lvov vì lo ngại an toàn của nhân viên ngoại giao và "hành động quân sự của Nga" gần biên giới với Ukraine. Công dân Mỹ cũng được khuyến cáo rời khỏi Ukraine bằng phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân.

Động thái dời đại sứ quán của Anh và Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan Ukraine leo thang, sau khi phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.

Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Nga những ngày qua thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.

Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moscow có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga-Ukraine đã giảm bớt.