Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo tái hiện thời bao cấp khi triển khai Luật giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo Luật Giá đưa 13 mặt hàng vào danh mục bình ổn và một số nhóm khác do Nhà nước định giá khi thị trường có biến động. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, cách làm này sẽ phát sinh tiêu cực, tái hiện thời kỳ bao cấp.

Sau nhiều kỳ họp bàn và chỉnh sửa, sáng nay, dự thảo Luật Giá được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự thảo, 13 loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện bình ổn giá, gồm xăng dầu thành phẩm, xi măng, thép xây dựng, đạm urê, thuốc bảo vệ thực vật, muối hạt trắng, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường, thóc lúa gạo... Ngoài ra một số nhóm mặt hàng, dịch vụ như nhà ở xã hội, nhà công vụ, điện, nước sinh hoạt... cũng nằm trong danh mục Nhà nước ấn định giá. Căn cứ vào danh mục này, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và quyết định từng loại hàng hóa, dịch vụ để thực hiện biện pháp bình ổn phù hợp với từng thời kỳ.

Tại phiên họp sáng nay, đa số các đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Giá song còn e ngại việc Nhà nước can thiệp quá sâu bằng các biện pháp bình ổn sẽ khiến thị trường hàng hóa có nguy cơ tái bao cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu cho rằng theo lộ trình giá than, điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường. Do vậy, việc Nhà nước giữa vai trò định giá khiến dư luận phát sinh quan điểm cho rằng cách làm này khiến VN quay trở về thời kỳ bao cấp.

Ông Giàu đề nghị ban soạn thảo cần lưu ý đến yếu tố trên, đồng thời rà soát các cam kết cụ thể của Việt Nam với các tổ chức nước ngoài, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bởi khi khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có các bước cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Do vậy, khi Nhà nước can thiệp quá sâu vào vấn đề giá cả, ông Giàu cho rằng cần tính toán thận trọng.

Một yếu tố khác khiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu quan tâm là việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Cho rằng quỹ bình ổn giá được thành lập từ đóng góp của người tiêu dùng do vậy, ông Giàu đề nghị cần đánh giá tác động của quỹ tới thị trường và chính sách nói chung.

Băn khoăn của ông Giàu cũng trùng với quan điểm của 2 vị Phó chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu và Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Lưu cho rằng đã là cơ chế thị trường thì các thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau. Do đó, cần tính toán thận trọng những nhóm hàng hóa do Nhà nước độc quyền định giá.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nêu vấn đề thời gian qua, Nhà nước đã cho phép thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này đã góp phần đáng kể vào quá trình ổn định giá bán lẻ, giảm thiểu các đợt tăng khi thị trường thế giới biến động. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã nhận thấy còn tồn tại nhiều vấn đề như quỹ bình ổn chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, việc trích, lập và sử dụng cũng chưa đảm bảo tính công khai minh bạch.

"Ngoài xăng, dầu, việc Nhà nước đưa cả mặt hàng xi măng, đường ăn, thức ăn chăn nuôi vào danh sách bình ổn giá trong nền kinh tế thị trường, tôi thấy chưa hợp lý", ông Lưu nói. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa, diễn giải cho rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.

Trước băn khoăn của đại biểu, người đứng đầu ngành tài chính - Vương Đình Huệ khẳng định, Ban soạn thảo luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Giá để Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Liên quan đến các cam kết trong WTO, ông Huệ cho biết nhiều tổ chức nước ngoài đã đến tiếp xúc và làm việc với ban soạn thảo để làm rõ một số vấn đề trong Luật. "Tất cả các băn khoăn của họ đã được chúng tôi giải đáp cụ thể", ông Huệ nói.

Đối với danh mục một số nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Huệ cho rằng điều này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, nhà sản xuất. Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ định giá sàn, giá trần hoặc khung chứ không ấn định mức cụ thể.

"Tôi khẳng định các điều khoản trong dự thảo Luật không có gì mâu thuẫn với lộ trình thực hiện cơ chế thị trường một số nhóm mặt hàng như điện, than... Tuy nhiên, Ban soạn thảo vẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật", Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.