Hàng vạn lao động bị ngừng việc
Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, hiện có 441 DN với tổng số 624.700 lao động tại 25 tỉnh, TP gặp khó khăn. Trong đó, có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc. Những lao động này tập trung ở các DN thuộc ngành gỗ, dệt may, da giày, điện, điện tử.
Đáng chú ý, trong số lao động bị ảnh hưởng có đến 36% NLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Đặc biệt, có khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên; khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tại Hà Nội, theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tính đến cuối tháng 11/2022, có 31 DN có Công đoàn cơ sở báo cáo phải giảm giờ làm, cắt giảm 13.016 lao động. Trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 1.017 người lao động bị nợ lương, số tiền nợ 9,977 tỷ đồng. Riêng Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 7 DN với 6.148 lao động, có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 647 người bị chấm dứt hợp đồng lao động; 100 người bị nợ lương, số tiền nợ 850 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng chia sẻ, qua thống kê có 3 - 4 DN nợ lương công nhân, trong đó có 2 DN nước ngoài. Công đoàn ngành đang phối hợp với lực lượng Công an TP để kiểm soát việc chủ DN nước ngoài có nợ lương, nhưng về nước không quay trở lại. Đồng thời, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội đã có báo cáo LĐLĐ TP Hà Nội để có biện pháp hỗ trợ NLĐ.
Nhiều giải pháp chăm lo cho người lao động
Trước tình hình đó, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang cận kề, các cấp Công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ NLĐ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, các cấp Công đoàn đã chủ động nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các DN, số lượng NLĐ bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm. Đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ bị mất việc làm.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Công đoàn các cấp đề xuất với DN xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đồng thời đề xuất tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng NLĐ. Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động phải bảo đảm quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm thông qua Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với hàng loạt hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Cụ thể như tổ chức phương tiện đưa đón miễn phí và hỗ trợ toàn bộ, một phần chi phí phương tiện để đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết, trở lại làm việc. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên đoàn viên, NLĐ không có điều kiện về quê đón Tết...
Dự kiến có khoảng 15.000 đoàn viên, NLĐ được thăm, tặng quà, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà trị giá 300.000 đồng; tổ chức 22 Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” với 40 -120 gian hàng để giới thiệu, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa với giá ưu đãi từ 15 - 70%, gian hàng 0 đồng. Đặc biệt hỗ trợ cho khoảng 1 triệu đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt) từ nguồn tài chính của Công đoàn...
Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão, có 100/106 DN báo cáo sử dụng 50.361 lao động đã có kế hoạch thưởng Tết. Trong đó, mức thưởng bình quân là 4.643.148 đồng/người. Ngoài ra, trong 100 DN có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch, có 66 DN dự kiến tặng giỏ quà Tết cho NLĐ với giá trị từ 200.000 - 1.000.000 đồng/giỏ tùy từng DN...
Tại Hà Nội, nắm bắt được tình hình thực tế, LĐLĐ TP Hà Nội đã sớm lên kế hoạch hỗ trợ đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do thiếu việc, mất việc làm với tổng kinh phí dự kiến 30 tỷ đồng. Theo đó, đoàn viên, NLĐ đang bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ sau ngày 1/10/2022, do DN gặp khó khăn; đoàn viên, NLĐ bị nợ lương ít nhất 3 tháng do DN khó khăn hoặc chủ bỏ trốn được hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp...
Đoàn viên, NLĐ trong các DN gặp khó khăn, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở không bố trí được tiền thưởng năm, thưởng Tết cho NLĐ; đoàn viên, NLĐ bị cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, bị ngừng việc có thu nhập bình quân tháng 10 và tháng 11/2022 dưới mức lương tối thiểu vùng được hỗ trợ 500.000 đồng/trường hợp.
Đồng thời, LĐLĐ TP cũng tổ chức Chợ Tết Công đoàn năm 2023 với 64 gian hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của công nhân lao động và Nhân dân Thủ đô. Đáng chú ý, tại đây sẽ có 2 gian hàng 0 đồng với 5.000 suất quà tặng cho 5.000 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, các giải pháp hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập trong dịp Tết Nguyên đán là cần thiết. Trước mắt, các DN cần tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm để NLĐ mất việc ở DN này có thể tìm việc ở DN khác. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đại diện cho NLĐ cần tìm nguồn hỗ trợ, bảo hiểm thất nghiệp chi trả để hỗ trợ NLĐ trong thời gian chưa tìm được việc làm mới.
"Về lâu dài vẫn cần giải pháp căn cơ là phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm thì phải tìm các cách mở rộng thị trường. Chính phủ cần tích cực tham gia các chiến dịch thương mại song phương, đa phương tìm ra thị trường để bù đắp lại các đơn hàng sụt giảm. Khi có sản xuất thì có việc làm, NLĐ sẽ đỡ bị mất việc làm" - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nói.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo cho đời sống NLĐ. Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho NLĐ của DN và đời sống NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo Công đoàn và các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành LĐTB&XH nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, việc đi lại của NLĐ trong dịp Tết để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Khi chúng ta tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn thì kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng như các DN da giày, điện tử... Muốn khắc phục được thì phải khai thác, mở rộng thị trường để duy trì đơn hàng. Chỉ khi làm ra sản phẩm theo dây chuyền thế giới mới tạo được nhiều việc làm và giá trị sáng tạo cao hơn, từ đó tăng thu nhập cho NLĐ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân
Trước những khó khăn của DN và NLĐ, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho NLĐ bị mất việc tiếp cận với các DN sớm quay trở lại thị trường lao động. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đang đẩy mạnh thực hiện việc này. NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nên đăng ký tham gia để có thu nhập.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành