Lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn: Bài toán không dễ giải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ vừa ban hành chủ trương hạn chế và dần tiến đến lộ trình cấm môtô, xe gắn máy tại các đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với một đất nước xe máy là phương tiện quan trọng nhất (hơn 30 triệu xe) thì đây là một việc làm cần thiết, nhưng hết sức khó khăn, phức tạp...

Nghị quyết số 88/NQ-CP Chính phủ về một số giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT được ban hành hôm 24/8 qui định: TP. Hà Nội và TP. HCM tiếp tục triển khai hạn chế xe máy tại một số tuyến đường và một số giờ nhất định. Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì soạn thảo đề án hạn chế và lộ trình cấm mô tô, xe gắn máy tại các thành phố lớn trình Chính phủ cuối năm 2012.

Chỉ cấm xe máy là chưa đủ

TS Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về giao thông đô thị đã cho rằng, nhận định xe máy là nguyên nhân chính gây ra UTGT tại Hà Nội và TP. HCM chưa thực sự đúng. TS Thủy phân tích: Một chiếc xe hơi chiếm dụng mặt đường bằng 4 - 6 xe máy. Số người ngồi thực tế trên xe ô tô không phải khi nào cũng đạt với diện tích chiếm mặt đường tương ứng. Vì vậy, ô tô cá nhân, kể cả xe taxi mới là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.

Tuy nhiên, đặt trong xu thế chung của giao thông đô thị thế giới là hạn chế xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, TS Thủy cũng đồng tình với chủ trương hạn chế xe máy này.

TS Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Qui hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT) cũng đồng tình với chủ trương kiểm soát xe gắn máy và các phương tiện cá nhân khác để cải thiện tình hình giao thông đang rất phức tạp tại các đô thị hiện nay. Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu giảm TNGT tại các thành phố bằng việc hạn chế hay cấm xe máy cũng không phải là lý do thuyết phục. Vì hiện, xe máy lưu thông trong thành phố với tốc độ trung bình từ 20 - 30 km/giờ nên ít xảy ra tai nạn, nếu tai nạn cũng không thực sự nghiêm trọng. "Xe máy đang là phương tiện chiếm số đông, hiệu quả, tiết kiệm hơn so với nhiều phương tiện khác. Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện kiếm sống của một bộ phận lớn người dân, đây là vấn đề xã hội, nếu làm không khéo sẽ gây bức xúc", TS. Hùng nói.

Cần lộ trình phù hợp

Theo kiến nghị các chuyên gia, nếu thực hiện giải pháp này phải đồng thời phát triển mạnh các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt... để người dân đi lại có phương tiện thay thế. Ngoài việc hạn chế xe máy, TS Khuất Việt Hùng cho rằng cũng phải kiểm soát chặt chẽ sự phát triển ô tô cá nhân. Phạm vi thực hiện phải được thực hiện dần theo khu vực và thời gian để người dân có thể thích ứng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, giải pháp cấm xe máy rất nhạy cảm, dễ động chạm. Hiện cả nước hiện có hơn 30 triệu xe máy, nếu hạn chế hoặc thay thế mà không nhanh chóng phát triển các phương tiện công cộng sẽ không nhận được sự đồng tình của người dân. Nếu hạn chế xe máy mà không cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay, đến một thời điểm, ô tô cá nhân bùng phát sẽ không đủ đường cho loại phương tiện này đi lại.

Một lãnh đạo Vụ ATGT, Bộ GTVT (cơ quan chấp bút soạn thảo Nghị quyết trên của Chính phủ) dẫn ra một số cơ sở để đưa ra giải pháp này là ở đô thị, người dân đang quá lạm dụng vào xe máy. Chẳng hạn, từ nhà ra chợ, hay đi thăm bạn bè chỉ 500m vẫn đi xe máy, gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông. Hơn nữa, trong vài năm qua, TP. Hà Nội và TP. HCM đã triển khai thí điểm cấm xe máy tại một số tuyến đường đã tạo ra hiệu quả và dư luận cũng đồng tình.

Theo vị lãnh đạo này, để thực hiện cấm xe máy phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như trả lại vỉa hè cho người đi bộ, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Về phương án xây dựng lộ trình, Bộ GTVT sẽ thành lập một ban chỉ đạo để khảo sát, đánh giá và lên phương án chi tiết. Trong đó, việc triển khai sẽ có lộ trình, có thể từ các tuyến phố trung tâm, sau đó mới mở rộng ra các tuyến phố phía ngoài; cũng có thể bắt đầu bằng việc hạn chế về thời gian, cho xe máy đi theo giờ. "Đây là một vấn đề rất khó. Nếu không có sự đồng thuận của người dân, của các bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội sẽ rất khó thực hiện" - vị lãnh đạo Vụ ATGT nói.
 
 
Ông Hồ Nghĩa Dũng Nguyên Bộ trưởng GTVT:
Sống chung với xe máy ít nhất 10 năm nữa

 "Trong 10 năm nữa chúng ta vẫn sống chung với xe máy. Giao thông tại Việt Nam là hỗn hợp, xe máy chiếm số lượng lớn nhất. Do đó, phải có những giải pháp đồng bộ về hạ tầng và phương tiện. Trong đó, các đường cao tốc mới phải thiết kế xây dựng đường gom cho xe máy; còn các hệ thống giao thông hiện tại chưa có điều kiện nâng cấp, xây mới thì khi tổ chức giao thông phải làm được đường làn đường dành riêng cho xe máy".
 
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội:
Hạn chế ô tô và xe máy đi chung trên đường cao tốc

Việc xe máy và ô tô đi chung tại các tuyến đường khai thác với tốc độ cao hiện nay rất dễ xảy ra va chạm dẫn đến tai nạn. Vì vậy, ngoài việc hạn chế xe máy tại đô thị thì cần nghiên cứu kiểm soát xe máy tại các tuyến đường cao tốc theo hướng cấm xe máy lưu thông hoặc phân làn riêng cho xe máy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần