Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ trình hạn chế xe máy ở Hà Nội sẽ chia 3 giai đoạn

PV
Chia sẻ Zalo

Giai đoạn 1, từ năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình và lấy ý kiến đóng góp đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”. 

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô các loại, trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt ở mức bình quân 3,9%/năm.
 Ảnh minh họa
"Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy mà không có biện pháp giảm thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến 2025 sẽ có 1,3 triệu ôtô, 7,3 triệu xe máy", đề án đưa ra lý do cho việc hạn chế xe cá nhân.

Cũng theo đề án, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 5 lần diện tích mặt đường của thành phố. Tương tự đến năm 2025, sẽ vượt 6,9 lần.

Đề án này đưa ra lộ trình hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy trên một số tuyến trục chính và một số khu vực trong vành đai 3, được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2020, sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết.

Năm 2021, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. 

Giai đoạn 2, từ năm 2023, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3, đến năm 2025, sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, đề án cũng đề cập đến việc dừng hoạt động xe ôtô cá nhân theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Một số khu vực theo lộ trình cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Phát triển vận tải hành khách công cộng

Song song với việc hạn chế phương tiện cá nhân, đề án đưa ra lộ trình cụ thể về phát triển vận tải hành khách công cộng. 

Theo đó, đến năm 2020, phương tiện công cộng sẽ vận chuyển khoảng 5,8 triệu chuyến/ngày đêm, đáp ứng 25% nhu cầu, phương tiện cá nhân là 17,35 triệu chuyến/ngày đêm, đáp ứng 75% nhu cầu. 

Hà Nội cũng dự định hoàn thiện quy hoạch 3 tuyến xe buýt gồm Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14km); tuyến đi theo vành đai 3 từ Mai Dịch - Dương Xá (25km); tuyến đi theo vành đai 2,5 và quốc lộ 5 kéo dài (54km) vào năm 2020 để phục vụ cho đề án trên. Ngoài ra, phát triển quy hoạch đường sắt đô thị thêm 5 tuyến.