Lộ trình nào cho xuất khẩu nông sản chính ngạch?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát chất lượng gắn với xây dựng vùng sản xuất an toàn là điều kiện tiên quyết để nông sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các thị trường có giá trị cao. Đây cũng là bước đi tất yếu trong lộ trình chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Cấp thiết chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch

Câu chuyện ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian vừa qua khi Trung Quốc siết chặt biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, cho thấy việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam là hết sức cần thiết.

Ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Gần 2 năm qua, không chỉ kiên trì thực hiện chính sách “Zezo Covid”, Trung Quốc còn tiếp tục quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi của Việt Nam.

Dẫn chứng về sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của phía nước bạn thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm, với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu khiến các DN Việt Nam bị động.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng nhìn nhận, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị sớm để chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thị trường này cũng ngày càng chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, DN Việt Nam dường như chưa có sự sẵn sàng. Điều đáng lưu ý là mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi DN phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.

Đến nay, Việt Nam mới chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Đến nay, Việt Nam mới chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý, hiệp hội, DN và nông dân Việt Nam trong việc khẩn trương thực hiện những giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khuyến nghị, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tập trung kiểm tra, giám sát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu và quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng.

"Bộ NN&PTNT cần chú trọng hơn nữa việc cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho DN, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu" - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Cốt lõi là xây dựng vùng sản xuất an toàn

Nhìn nhận những khó khăn khi bắt tay vào chuyển đổi hình thức xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là “cuộc cách mạng” cần có sự kiên trì và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Bởi, thời gian vừa qua ngành vẫn còn sản xuất để xuất khẩu tiểu ngạch chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch.

"Vấn đề đặt ra là cần chuẩn hóa từ đầu cung, điều kiện DN khi tiếp cận ở các vùng nguyên liệu chứ không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu, mà quan trọng có hệ thống từ đầu cung đến đầu cầu, từ tổ chức sản xuất đến tổ chức thị trường” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

 

Cần phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. Nếu không tổ chức sản xuất sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Như vậy, có thể khẳng định việc đầu tiên cần làm là chuẩn hóa vùng nguyên liệu, trong đó trọng tâm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu. Tiêu chí này phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất.

Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho rằng, để có vùng nguyên liệu nông sản ổn định, kiểm soát được chất lượng thì việc tổ chức liên kết, hợp tác để đủ diện tích triển khai những cánh đồng mẫu lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở để DN kiểm soát từ vật tư nông nghiệp đến sơ chế, đóng gói nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng xuất khẩu.

Đưa ra giải pháp về giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi kiểm dịch, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung khuyến cáo, các DN cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để đáp ứng những yêu cầu về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chú trọng giám sát vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói.

Về phía các địa phương cần nêu cao vai trò trong quy hoạch vùng sản xuất an toàn; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước cũng như hướng dẫn nông dân từ ghi chép nhật ký sản xuất đến sơ chế, chế biến theo quy trình bài bản. Mặt khác, phải xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định.

Chắc chắn hiệu quả từ những vùng sản xuất an toàn cùng với lộ trình xuất khẩu chính ngạch mà Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đang xây dựng sẽ giúp cho nông sản Việt Nam vươn tới nhiều thị trường có giá trị cao trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần