Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong trong tiêm phòng cho trẻ em 5-11 tuổi khi lần đầu triển khai vào tháng 11/2022.
New York Times dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng việc có sự cố nghiêm trọng khi tiêm vaccine Pfizer ở trẻ em từ 5-11 tuổi là “cực kỳ hiếm”.
Cho đến tháng 1/2022, hơn 8 triệu liều vaccine Pfizer đã được tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ. Dù vậy những lo ngại về vaccine mới vẫn khiến một số bậc cha mẹ do dự trong việc cho phép tiêm chủng cho con mình. Một số muốn chờ đợi đợt triển khai rộng rãi hơn.
Vào ngày 19/12, khoảng sáu tuần sau chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, CDC Mỹ cho biết họ nhận được rất ít báo cáo về các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều trẻ em được khảo sát cho biết bị đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi hoặc nhức đầu, đặc biệt là sau khi tiêm liều thứ hai. Khoảng 13% những người được khảo sát cho biết con họ bị sốt sau khi tiêm mũi thứ hai.
Các báo cáo về viêm cơ tim, một chứng viêm cơ tim có liên quan đến vaccine Covid-19 trong một số trường hợp, vẫn còn khan hiếm.
Tương tự Mỹ, Israel là một trong những quốc gia triển khai sớm chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Quốc gia phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer ngày 15/11, sau làn sóng Covid-19 thứ tư. Khi ấy, phần lớn các ca nhiễm là trẻ vị thành niên. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi chiếm gần một nửa trong số trường hợp dương tính.
Đến tháng 1, Bộ Y tế Israel quyết định tiêm thêm liều tăng cường cho nhóm tuổi này. Theo truyền thông địa phương, trước khi có thông báo chính thức, khoảng 1.000 trẻ em đã tiêm liều thứ ba.Tuy nhiên, thái độ của các bậc cha mẹ là một rào cản của chiến lược tiêm chủng nước này. Theo khảo sát của Viện Chính sách Xã hội tại Đại học Washington hồi tháng 12, chỉ khoảng 37% bậc cha mẹ Israel có dự định tiêm vaccine Covid-19 cho con cái, 23% chưa đưa ra quyết định và tới 40% cho biết sẽ không đưa con em đi tiêm chủng.
Nhật báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP) trích dẫn lời GS William Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hong Kong, cho biết tiêm vaccine vẫn là chìa khóa để bảo vệ trẻ em khỏi virus.
“Dù vaccine có thể không ngăn trẻ bị nhiễm bệnh, nhưng giúp giảm nghiêm trọng các biến chứng và ngăn ngừa việc nhập viện, thậm chí tử vong", GS này cho biết. Đồng thời vaccine cũng bảo vệ trẻ không mắc di chứng Covid kéo dài - khả năng bị mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu và khó thở nhiều tháng sau khỏi bệnh.
Từ ngày 16/2, Hong Kong tiêm vaccine cho trẻ em lứa tuổi này với hai loại vaccine Pfizer và Sinovac. Khảo sát công bố hôm 8/2 cho thấy chỉ 1 trong số 10 phụ huynh được hỏi sẵn sàng cho con tiêm chủng, trong khi 85% lo lắng về các tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm.
Một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã triển khai tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này với lọ vaccine được dán nhãn màu cam để phân biệt với nhãn tím của nhóm tuổi lớn hơn.
Tại Anh, trẻ từ 5-11 tuổi dễ bị tổn thương cũng đã bắt đầu được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech từ cuối tháng 1. Liều lượng vaccine cho nhóm này là 10 microgram với khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8 tuần.
Anh không có kế hoạch tiêm chủng đại trà như nhiều quốc gia khác. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết trẻ em trong nhóm có nguy cơ lâm sàng, dễ chuyển nặng sau mắc Covid-19, bị ức chế miễn dịch mới đủ điều kiện tiêm vaccine. Thông báo này dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng (JCVI) hồi tháng 12.
Cơ quan này lo ngại các tác dụng phụ hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở trẻ em. JCVI cũng nhận định trẻ em ít có nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm Covid-19, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần tiêm chủng cho nhóm này nhằm bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền.
Australia hôm 5/12/2021 phê duyệt vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi được phê duyệt, khoảng 2,3 triệu trẻ em nước này trong độ tuổi từ 5 đến 11 sẽ được tiếp cận với vaccine.
Tính đến ngày 30/1, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) đã nhận 360 báo cáo về các phản ứng phụ sau tiêm trên 913.000 liều vaccine triển khai ở nhóm tuổi này. Các phản ứng phổ biến nhất gồm ngất, đau ngực, buồn nôn, nôn và đau đầu; không có trường hợp nào bị viêm cơ tim.
Theo nghiên cứu, các bậc cha mẹ e ngại tiêm vaccine cho con em không bài xích tiêm chủng nói chung mà phần lớn do dự vì tuổi của con mình còn quá nhỏ hoặc không muốn cho con tiêm trộn hai vaccine.
Tại Singapore, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) hôm 11/12 đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Ngày 19/1, HSA cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng.
Tính đến hết 31/12/2021, chỉ có 6 trường hợp có phản ứng phụ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,03% trong tổng số 20.327 liều vaccine đã được tiêm. HSA nhận được báo cáo về một số trường hợp trẻ có phản ứng phụ như phát ban, chóng mặt, sốt và khó thở, nhưng không nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, ngày 5/2, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.