Loa phường không có lỗi

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, câu chuyện xung quanh việc UBND TP Hà Nội lên kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư và có trang thông tin điện tử cấp xã vẫn chưa hết xôn xao.

Thiết nghĩ không cần phải điểm lại những ý kiến khác nhau xung quanh sự việc này. Điều đáng ghi nhận là đa phần các ý kiến tranh luận đều nghiêm túc, mang tính xây dựng với những lý lẽ đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trở lại câu chuyện loa phường. Có lẽ sự phản ứng, thậm chí là gay gắt với quyết định của Hà Nội về số phận của loa phường thời gian tới là bởi chưa hiểu đúng thực chất của quyết định cách đây ít năm của Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP, Hà Nội chưa từng dừng vận hành loa phường mà chỉ thay đổi cách thức, tần suất hoạt động để thân thiện với người dân. Như vậy là hệ thống loa phường vẫn tồn tại. Và trong thực tế, như ý kiến của những người ủng hộ, nó vẫn phát huy tác dụng rất tốt trong đời sống xã hội, mà rõ nhất là trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Những tác động tiêu cực của hệ thống loa phường trong nhiều năm là điều mà từ người dân TP cho đến các vị lãnh đạo, các cơ quan chức năng đều thấy rõ và thống nhất phải loại bỏ. Nhưng như vậy không có nghĩa là xóa sổ hoàn toàn hệ thống loa phường.

Công bằng mà nói, loa phường không hề có lỗi. Lỗi là do một thời những người được giao sử dụng, điều hành hệ thống này đã thiếu trình độ, lạm dụng, thậm chí thiếu văn hóa khi sử dụng hệ thống này. Vậy thì vấn đề đặt ra là cần sửa đổi để hệ thống này phục vụ đời sống của người dân tốt hơn chứ không phải cứ một hai đòi loại bỏ.

Ý kiến thường gặp nhất, đó là hiện nay đã ở thời đại 4.0, có rất nhiều phương thức thông tin, việc gì phải cần đến loa phường. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng nghĩ cho kỹ, cũng bởi phương thức thông tin như vậy nên mới lại càng cần có loa phường.

Ai cũng biết, trên mạng xã hội khá nhiều thông tin bổ ích song cũng không thiếu những thông tin sai lệch, thậm chí bịa đặt. Và ngay trong cuộc tranh luận này, không phải ai khi bày tỏ ý kiến cũng đã hiểu hết được thực chất cũng như tình trạng hiện hữu của hệ thống loa phường. Bởi vậy, cũng rất cần có thông tin chính thức, xác đáng, nhất là với những thông tin thiết yếu, cấp thiết, vào những thời điểm quan trọng.

Như vậy, câu hỏi đặt ra không phải là có hay không hệ thống loa phường mà là phải làm thế nào để loại hình truyền thông này có tác dụng thiết thực, đóng góp tích cực vào đời sống người dân cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP.  Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cũng cần xem lại lý do khiến nhiều người dân đồng tình với việc “khai tử” loa phường.

Tựu trung lại, điều khiến người dân bức xúc với loa phường là nội dung phát thanh chưa phù hợp, chất lượng chưa cao và thời điểm, thời lượng phát thanh chưa hợp lý. Khắc phục được những nhược điểm đó, loa phường sẽ phát huy hiệu quả và có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Để đạt mục tiêu trên, cùng với lộ trình thực hiện kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư, ngành Thông tin - Truyền thông cần tham mưu với UBND TP xây dựng và ban hành một quy định chặt chẽ, khoa học về xây dựng, vận hành, hoạt động của hệ thống loa phường, chẳng hạn như vị trí, số lượng loa được phép lắp đặt, tần xuất, nội dung phát thanh… bảo đảm không tái diễn tình trạng hệ thống này ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân như những năm trước đây.

Được như vậy, chắc chắn người dân sẽ đồng tình ủng hộ kế hoạch nói trên của TP.