Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại bỏ sức ỳ của bộ máy

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét rằng, hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng đang có tình trạng chậm lại. Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự xuất hiện sức ỳ cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mặc dù Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN nhưng kết quả thực hiện cho đến tháng 6/2018 chỉ đạt được 13%. Điều đó cho thấy, việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh triển khai còn chậm. Nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực hiện yêu cầu của Chính phủ một cách nghiêm túc và rốt ráo vào cuộc. Điều đáng nói, cho đến nay, số văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, trong bộ máy vẫn còn một bộ phận cán bộ "có cũng được, không có cũng được". Những cán bộ này cũng là người thờ ơ với sự phát triển của đất nước.
Ở thời điểm giữa nhiệm kỳ, Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ đánh giá lại ngành mình; từng lãnh đạo nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của Nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao bàn tán vì câu nói của một vị lãnh đạo về chính thực trạng của đơn vị mình: “40% cán bộ năng lực hạn chế nhưng cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia”. Nhiều người cho rằng, vị lãnh đạo kia phát biểu trung thực, nhưng cũng có người bình luận, không phải 40% mà thậm chí con số còn cao hơn và chuyện này đang tồn tại ở tất cả bộ, sở, ban, ngành.

Đánh giá về đổi mới khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai. Nếu tiến độ như thời gian qua thì khó thực hiện được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 6, rất khó tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu về cải cách tiền lương và BHXH như Nghị quyết 27, Nghị quyết 28 của Hội nghị T.Ư 7.

Vì sao cải cách hành chính vẫn loay hoay? Nhân sự nhiều nhưng trình độ kém, hạn chế năng lực hay thờ ơ vô cảm với công việc, trách nhiệm? Việc này không chỉ làm ngân sách phải gánh bộ máy cồng kềnh mà bản thân DN, người dân phải chịu nhiều chi phí kéo theo trì trệ, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ gồm 7 nhiệm vụ chính, trong đó con người trong bộ máy luôn là vấn đề then chốt. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là một trong số những nhiệm vụ đó. Xây dựng chất lượng cán bộ là đặt nền móng cho lòng tin Nhân dân, cần phải nhìn nhận vào hạn chế, khuyết điểm để đề ra giải pháp khắc phục dứt điểm. Thực hiện nghiêm kỷ cương, bộ máy hành chính mạnh và hiệu quả mới là động lực chính của cải cách hành chính.