Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn các cuộc thi học đường: Bài 2: Ai cấp phép?

Lưu Ly - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù trước đó Bộ GD&ĐT đã giảm bớt các cuộc thi cấp quốc gia, thế nhưng nhiều cuộc thi mới từ các đơn vị, tổ chức khác được thực hiện khiến học sinh mệt mỏi, phụ huynh bức xúc.

Đại diện Language Link Việt Nam trao giải Nhất cho các thí sinh cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học năm 2019. Ảnh: Thanh Tùng
Không phê duyệt các cuộc thi có dấu hiệu... thu tiền
Thực tế, có nhiều cuộc thi dành cho học sinh được tổ chức nhưng không diễn ra theo đúng như thông báo trước đó. Thậm chí, khi số lượng học sinh đăng ký vượt quá năng lực của đơn vị tổ chức thì họ đành để “vỡ trận”. Có thể nói, việc tổ chức những cuộc thi Toán, tiếng Anh cấp TP, quốc gia, quốc tế giúp học sinh được cọ xát thực tế cũng như biết được năng lực của mình là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các cuộc thi được phát động trên mạng xã hội, Ban tổ chức luôn tìm các chiêu trò PR, quảng cáo rầm rộ, quy mô để thu hút học sinh, phụ huynh... Nhưng, khi cuộc thi bị “vỡ trận” vì khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp, phụ huynh không biết kêu ai. Còn Ban tổ chức chỉ xin lỗi coi như xong việc và hứa hẹn năm sau sẽ tổ chức “to” hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để những cuộc thi học đường thực sự là sân chơi bổ ích cho trẻ, các cơ quan, ban, ngành cần có quy định chặt chẽ trong việc cấp phép tổ chức. Đặc biệt, phải hạn chế được những cuộc thi tổ chức nhằm mục đích thu tiền hơn là tìm kiếm tài năng.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: “Sở ủng hộ các cuộc thi được tổ chức miễn phí, còn các cuộc thi tự tổ chức có dấu hiệu để thu tiền của phụ huynh thì không phê duyệt”. Ông Quang nêu ví dụ cuộc thi Language Link được tổ chức miễn phí và còn cấp học bổng cho thí sinh giành giải nên Sở GD&ĐT Hà Nội rất ủng hộ. Về việc xử phạt các đơn vị tổ chức để xảy ra sai phạm, ông Quang cho hay, Sở sẽ xử phạt dựa trên quy chế của Bộ GD&ĐT.

Không cộng điểm vào tuyển sinh

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, sở dĩ có nhiều cuộc thi được tổ chức bởi các trường học có đưa ra tiêu chí cộng điểm các giải cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh vào trường. Vì thế, bằng mọi giá, nhiều phụ huynh muốn con tham gia thi mà không cần biết đến đơn vị tổ chức có uy tín, chuyên nghiệp hay không. Để giảm tải các cuộc thi được tổ chức tràn lan, Bộ GD&ĐT đã thông báo rõ: Kết quả của các cuộc thi tổ chức không đúng quy định sẽ không được sử dụng để xét tuyển.

Về việc này, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Tất cả các cuộc thi không phải do ngành GD&ĐT tổ chức, Phòng GD&ĐT Hà Đông không cộng điểm vào các trường hay lấy các giải thưởng đó để tính vào thi đua. Đây là cách nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, gây áp lực thành tích cho giáo viên, học sinh. Phòng GD&ĐT Hà Đông chỉ xét các giải chính thức do phòng, quận, Sở GD&ĐT hay Bộ GD&ĐT tổ chức và luôn giám sát chặt chẽ những cuộc thi dựa trên Thông tư 26 về quy chế thi học sinh giỏi cũng như văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành.

Trước sự nở rộ của các cuộc thi, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng khuyên phụ huynh trước khi đăng ký cho con tham gia nên tìm hiểu kỹ về hình thức tổ chức cũng như mục đích các cuộc thi.

“Quan trọng nhất ở một cuộc thi vẫn là sự kết hợp giữa ban tổ chức - phụ huynh và sự giám sát, phản hồi của xã hội. Vì vậy, để thể hiện trách nhiệm, sự chuyên nghiệp, sau mỗi cuộc thi, ban tổ chức nên họp rút kinh nghiệm, nhận góp ý sẽ dân chủ, cởi mở hơn” – thầy Phan Trắc Thúc Định, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm kiến nghị. Thầy Định cũng cho rằng, rất khó để quản lý, giám sát các cuộc thi mà phụ thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của người tổ chức. Ban tổ chức hãy coi việc đưa ra các cuộc thi là môi trường để học sinh cọ xát, thể hiện tài năng trên từng lĩnh vực thay vì mục đích thu lợi, gây bức xúc cho phụ huynh.

(còn nữa)