Loạn chi phí xét nghiệm Covid-19

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp hiện nay, xét nghiệm Covid-19 là một bước cần thiết và quan trọng để phòng tránh sự lây lan diện rộng của virus SARS-Cov-2 trong cộng đồng.

Việc xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân điều trị và người chăm bệnh nhân là phương án cần thiết tại mỗi cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện nay, giá xét nghiệm Covid-19 ở mỗi cơ sở y tế đang được quy định khác nhau, với số tiền chênh lệch không nhỏ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc đâu là giá đúng.
Mỗi nơi một giá

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã áp dụng quy định xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để đảm bảo phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại mỗi cơ sở y tế, người bệnh phải chi trả một mức giá test nhanh Covid-19 khác nhau, thậm chí phải chi trả nhiều hơn mức quy định. Khảo sát qua đường dây nóng tại Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 cho thấy, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, mức giá này đúng với quy định của Bộ Y tế, tuy nhiên, chi phí test nhanh Covid-19 tại BV là 300.000 đồng.
 Khai báo y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Học viện Quân y (Hà Nội). Ảnh: Hà Nam
Tại BV Mắt Việt Nga thu phí test nhanh và phí khám sàng lọc, với test sản xuất tại Việt Nam là 210.000 đồng/lần, còn test sản xuất tại Nhật Bản là 295.000 đồng/lần. Còn tại BV Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, không bắt buộc xét nghiệm với tất cả bệnh nhân và người nhà. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng và chỉ định xét nghiệm phù hợp. Chi phí test nhanh tại BV này là 300.000 đồng. Như vậy, mức chi phí phổ biến cho loại xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các BV từ 210.000 - 300.000 đồng.

Tuy nhiên, tại phòng khám Medi Plus (quận Hoàng Mai) không thực hiện xét nghiệm tại cơ sở y tế mà chỉ áp dụng lấy mẫu tại nhà và tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho DN mức giá xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime-PCR cho người Việt Nam là 1,5 triệu đồng; người nước ngoài là 1,9 triệu đồng. Cũng tại phòng khám này, test nhanh thực hiện ngay tại phòng khám với mức giá người Việt Nam là 400.000 đồng; người nước ngoài là 520.000 đồng. Còn tại BV Hữu nghị Việt Xô mức giá test nhanh được nhân viên tư vấn là 420.000 đồng. Mức giá này cao hơn so với quy định của Bộ Y tế.

Trong khi đó, BV K thông tin, từ ngày 21/6 đến thời điểm hiện tại, chi phí test nhanh của tất cả người bệnh và người nhà đến khám, điều trị tại BV K được miễn phí hoàn toàn. Trước ngày đến lịch hẹn khám/điều trị, người bệnh chủ động thực hiện xét nghiệm Covid-19 (Test RT-PCR) tại cơ sở y tế địa phương được cấp phép xét nghiệm để thuận lợi hơn, không mất thời gian chờ đợi khi đến Bệnh viện K. Kết quả này có giá trị trong 48 giờ. Nếu người bệnh chưa xét nghiệm tại cơ sở y tế địa phương thì có thể liên hệ với bác sĩ điều trị để được sắp xếp vào BV làm xét nghiệm từ chiều ngày hôm trước liền kề với ngày đến lịch hẹn điều trị.

Công nhận việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 là vô cùng cần thiết nhằm "cắt đuôi" dịch Covid-19, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, trước hết, về mặt kỹ thuật phải đẩy mạnh xét nghiệm. Việc mở rộng xét nghiệm được coi là yếu tố cốt tử ở giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần mở rộng nhiều loại xét nghiệm, thậm chí tính toán cả khả năng người dân có thể tự lấy mẫu và tự xét nghiệm. Theo đó, mỗi khi cảm thấy không yên tâm, có yếu tố nguy cơ như mới gặp ai đó, mới tới một đám đông nào đó; hoặc khi thấy có triệu chứng, người dân có thể tự mua bộ xét nghiệm bán tại các hiệu thuốc để làm xét nghiệm cho mình.

Nếu xét nghiệm âm tính vẫn cần tự cách ly và thực hiện 5K. Chúng ta cần khuyến cáo người dân làm xét nghiệm lại sau 7 và 14 ngày. Còn nếu kết quả dương tính, phải gọi ngay cho cơ quan y tế giải quyết theo hướng dẫn hiện hành. Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính và đang ở giai đoạn dễ lây nhiễm cho người khác nhất trong khi không rõ nguồn lây. Bằng cách này, ngân sách sẽ giảm bớt được gánh nặng mà vẫn xét nghiệm được trên diện rộng. Tất nhiên, không thể chắc chắn rằng tất cả các nguy cơ đều được ngăn chặn, tất cả các trường hợp dương tính đều được phát hiện sớm. Tuy nhiên đây là giải pháp khả dĩ để chúng ta có thể sống chung với dịch thay vì đóng băng vì phong tỏa và giãn cách diện rộng ở một số địa phương như hiện nay.

Thống nhất ban hành quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19

Qua khảo sát cho thấy, rõ ràng có sự chênh lệch giữa các đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp realtime RT-PCR. Dù mức chênh lệch chi phí xét nghiệm nhanh không quá lớn nhưng với người bệnh đang phải "gánh" chi phí điều trị thì đây là vấn đề họ băn khoăn “thực chất, đâu là giá đúng”.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về nguồn chi trả và thanh quyết toán xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các đơn vị triển khai thực hiện xét nghiệm cho người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế. Cùng với đó, sớm có hướng dẫn cách ly cho các trường hợp sau khi ra viện và trường hợp F1 để đảm bảo an toàn điều trị và phòng chống dịch Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tạm thời về việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Người Việt Nam có yêu cầu được cấp giấy xác nhận không dương tính để xuất cảnh đi lao động, học tập và công tác ở nước ngoài.

Trong khi chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ban hành quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tính đủ chi phí, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo mức giá của dịch vụ số 1735. Cụ thể, giá xét nghiệm nhanh tối đa 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm/người, còn realtime RT-PCR giá 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm/người. Tuy nhiên chi phí realtime RT-PCR còn phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm mẫu đơn hay mẫu gộp và người có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ.

Đối với xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh, hiện nay, một số công ty trong nước đã sản xuất và được cấp số lưu hành test xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể và kháng nguyên virus, một số công ty cũng đã được cấp phép nhập khẩu các loại test xét nghiệm này. Vì mức giá của các loại test hiện đang rất khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị trước mắt thực hiện thanh toán thực thanh, thực chi đối với các trường hợp xét nghiệm bằng test nhanh. Thời điểm áp dụng kể từ ngày 1/7/2021.

Thời điểm này, việc tăng cường các biện pháp sàng lọc Covid-19 nhằm kiểm soát lây nhiễm trong BV là cấp thiết. Tuy nhiên, các cơ sở y tế cần minh bạch chi phí xét nghiệm Covid-19 để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, nhất là khi nhiều gia đình đang rất khó khăn, không đủ chi phí điều trị.

"Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp hiện nay, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19, người dân nên đến cơ sở y tế tuyến dưới gần nhất để KCB nếu bệnh nhẹ. Người dân hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở KCB. Tuy nhiên, người dân không ngần ngại đến cơ sở y tế để được tư vấn KCB kịp thời đặc biệt là trường hợp bệnh nặng và cấp cứu." - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế - PGS.TS Trần Đắc Phu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần