Loạn giá vật liệu tại cao tốc Bắc – Nam: Các địa phương đang làm gì?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh sách các dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông gặp khó về mặt bằng và vật liệu liên tục nối dài. Vai trò và trách nhiệm các địa phương vùng dự án đang ở đâu?

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thiếu mặt bằng sạch để thi công.
Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thiếu mặt bằng sạch để thi công.

“Đặc sản” mặt bằng “xôi đỗ”

Ngày 13/3, thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện nhà đầu tư cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã được địa phương bàn giao gần 51/60,3km đạt 84,4%.

Ban điều hành dự án đã tổ chức thi công cào bóc hữu cơ toàn tuyến, tạo đường ranh giới, phạm vi thi công ngay sau nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương. Đến nay, nhà thầu đã triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự, hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục đường găng, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.

Tuy nhiên, theo đại diện nhà đầu tư, dự án vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là về mặt bằng. Điển hình là tình trạng mặt bằng “xôi đỗ”. Phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38,88km, hơn 4km đã có mặt bằng nhưng chưa thể thi công.

Các vướng mắc mặt bằng thường gặp là chưa có đường tiếp cận, một số vị trí vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, một số đoạn tuyến khác đã được đền bù xong nhưng người dân chưa bàn giao.

Trước tình trạng trên, đại diện chủ đầu tư dự án kiến nghị UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chỉ đạo sở, ngành, UBND các huyện khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, ưu tiên bàn giao mặt bằng các vị trí đường găng tiến độ trước 30/3/2023 và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu trước 30/6/2023 theo yêu cầu.

Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn không phải dự án duy nhất gặp vấn đề về mặt bằng. Dự án cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh đến 30/6/2023 phải bàn giao 100% mặt bằng sạch theo Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra nhưng hiện tại công tác GPMB vẫn đang rất chậm.

Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 78,5% diện tích mặt bằng, tương ứng 78,6% chiều dài tuyến chính. Tuy nhiên, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công thấp hơn con số bàn giao khá nhiều do còn tình trạng “xôi đỗ”.

Đơn cử như gói thầu 12-XL địa phương đã bàn giao 18,2/22,1km nhưng các nhà thầu mới tiếp cận thi công được khoảng 12,8km; còn gói thầu 13-XL đã bàn giao được 15,63/19,97km song mới tổ chức thi công được khoảng 5km. 

Cao tốc  Chí Thạnh - Vân Phong cũng gặp tình trạng tương tự khi nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 17,44/48,05km, đạt khoảng 36,3% trong tổng số 39,7/48,05km (tương đương 82,6%) mặt bằng đã được địa phương bàn giao.

Tình trạng mặt bằng bàn giao không liên tục, "xôi đỗ", vướng mắc công trình hạ tầng kỹ thuật… đang trở thành những rào cản lớn cho công tác thi công tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Các nhà thầu vẫn vừa làm vừa chờ mặt bằng sạch trong khi máy móc và nhân lực họ đã huy động đầy đủ.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "hoa mắt" vì giá vật liệu liên tục "nhảy múa".
Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "hoa mắt" vì giá vật liệu liên tục "nhảy múa".

Loạn giá vật liệu, địa phương không quản nổi

Ngoài vấn đề mặt bằng sạch, tình trạng thiếu vật liệu và loạn giá vật liệu ở các địa phương cũng khiến cho nhiều dự án cao tốc Bắc – Nam đang gặp khó.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 71,35 triệu m3. Trong đó, khối lượng đá khoảng 17,1 triệu m3, khối lượng cát khoảng 8,95 triệu m3 và khối lượng đất đắp khoảng 45,3 triệu m3.

Về nguồn cung, kết quả khảo sát 102 mỏ đá có tổng trữ lượng 189,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng khoảng 152,3 triệu m3; kết quả khảo sát 114 mỏ cát có tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3; kết quả khảo sát 109 mỏ đất đắp có tổng trữ lượng 134,8 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ có trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3.

Mặc dù nếu xét trên góc độ trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án, các mỏ đã được khảo sát đều đáp ứng đủ. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác lại là câu chuyện khác. Điều này khiến cho khả năng cung ứng vật liệu của các địa phương vùng dự án đều nằm dưới khu cầu thực tế của dự án.

 

Phải nhìn thẳng vào sự thật là thực trạng tăng giá, ‘ép giá’ là có và gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu. Địa phương cần trực tiếp vào cuộc khống chế giá vật liệu. Chúng ta phải chung nhận thức đây là dự án quan trọng của quốc gia, song địa phương cũng được hưởng lợi trực tiếp, phải phối hợp, hỗ trợ với nhau tích cực, trong sáng và hiệu quả để dự án về đích đảm bảo tiến độ và chất lượng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Cụ thể, vật liệu đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh thiếu 1,4 triệu m3; tỉnh Quảng Bình thiếu 1,56 triệu m3; tỉnh Quảng Trị thiếu 0,75 triệu m3; tỉnh Quảng Ngãi thiếu 0,23 triệu m3; tỉnh Bình Định thiếu 1,43 triệu m3;tỉnh  Phú Yên thiếu 1,64 triệu m3; và tỉnh Khánh Hòa thiếu 0,5 triệu m3.

Hai vật liệu khác là cát và đất đắp cũng ở tình trạn tương tự khi vật liệu cát  các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 còn vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 3 triệu m3.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng giá vật liệu tại các địa phương. Đầu tiên là tình trạng giá vật liệu theo thông báo giá của tỉnh là rất cao so với mặt bằng chung của các địa phương lân cận.

Đơn cử như vật liệu đá 1cmx2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3 còn Phú Yên công bố là 459.000 đồng/m3. Vật liệu đá cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 trong khi tỉnh “hàng xóm” Phú Yên lại lên tới 299.000 đồng/m3. Các vật liệu khác như cát, đất của tỉnh Phú Yên công bố cũng cao gấp nhiều lần so với tỉnh Bình Định.

Nghiêm trọng nhất là tại nhiều địa phương, giá bán vật liệu thực tế đang bị thả nổi khiến cho nhiều nhà thầu bị ép buộc phải mua vật liệu với giá cao gấp nhiều lần so với giá niêm yết của địa phương.

Thậm chí, cuối tháng 2/2023 vừa qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên để làm việc về những nội dung liên quan đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp khảo sát một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại đây.

Người đứng đầu Bộ GTVT phát hiện giá vật liệu mà nhà thầu cao tốc Bắc - Nam phải mua thực tế cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ. Điển hình tại gói thầu XL-01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, giá khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng thực tế giá bán cho nhà thầu lên tới gần 300.000 đồng/m3, tức là cao hơn tới hơn 50% so với giá khảo sát.

Quá bức xúc trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị công an tỉnh Phú Yên cần phải vào cuộc điều tra, làm rõ bởi đơn việc nâng giá vật liệu cao 3 - 4 lần là không thể chấp nhận được.

Để giá vật liệu "nhảy mua" các địa phương phải chịu trách nhiệm.
Để giá vật liệu "nhảy mua" các địa phương phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm của địa phương ở đâu?

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn đề vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, vai trò và trách nhiệm của các địa phương vùng dự án cần phải được làm rõ. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các n ộ, ngành với các địa phương cũng là yêu cầu tối quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong vấn đề nguồn vật liệu cũng như giá bán vật liệu phục vụ dự án.

“Với các mỏ đã được giao cho tư nhân, các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý ngay đối với chủ mỏ có hành vi ‘găm hàng,’ chờ thời cơ đẩy giá” – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, các địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác phải làm quyết liệt, khó đến đâu cần kiến nghị và mời bộ chuyên ngành vào cuộc phối hợp, tìm phương án tối ưu. “Không thể để một công trình huyết mạch, trọng điểm của đất nước phải đi mặc cả giá tài nguyên quốc gia, làm đội vốn, chậm tiến độ” – ông Trần Chủng nói.

Trong khi đó, đại diện nhà thầu Vinaconex cho rằng, việc các chủ mỏ đất thao túng giá có thể là do chính quyền địa phương lơi là quản lý, thậm chí muốn làm ngơ.

Theo đại diện nhà thầu này, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng găm vật liệu, thổi giá vật liệu cao tốc Bắc – Nam hiện nay thì địa phương cần công bố giá mỏ đất sát với thực tế, đồng thời có cơ chế giám sát, xử lí, thu hồi giấy phép các chủ mỏ khi họ ép giá nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc – Nam.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND các tỉnh phải vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, đặc biệt phải đảm bảo việc quản lý giá; đề nghị lực lượng chức năng như công an và thanh tra phải vào cuộc xử lý ngay nếu phát hiện vi phạm, xử lý phải thật nghiêm để đảm bảo kỷ cương.