Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn “sao” khách sạn

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng một số khách sạn tự phong sao khi chưa được công nhận đã và đang gây bức xúc cho du khách và các DN làm ăn chân chính, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có 829 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là khách sạn 3 sao (khoảng hơn 500 khách sạn), còn lại là 4 sao (khoảng hơn 200) và số ít khách sạn 5 sao. Việc cấp sao cho khách sạn đang được áp dụng theo TCVN 4391:2015 của Bộ KH&CN, trong đó quy định 5 tiêu chí với từng chi tiết, hạng mục mà cơ sở lưu trú phải đạt được để được công nhận khách sạn từ 1 - 5 sao.
Khách sạn ASEAN Hạ Long là một trong 6 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi công nhận hạng 4 sao. Ảnh: Hồng Hạnh
Khách sạn ASEAN Hạ Long là một trong 6 khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi công nhận hạng 4 sao. Ảnh: Hồng Hạnh
Nhưng thực tế, rất nhiều cơ sở lưu trú tự phong, tự nâng hạng sao để hút khách và tăng giá dịch vụ. Đơn cử như khách sạn Phố cổ Hotel - Hàng Bè và An Nam LeGend Hotel - Hàng Bè được nhân viên lễ tân giới thiệu là khách sạn 3 sao, song các đơn vị này lại có dưới 50 phòng, không có chỗ để ôtô và thiếu nhiều tiêu chuẩn như quy định. Đáng nói, dù có cơ sở vật chất tương tự nhau nhưng giá phòng của 2 khách sạn này chênh lệch cả triệu đồng. Tại Phố Cổ Hotel, giá phòng cao nhất là 1 triệu đồng/phòng/đêm, còn tại An Nam LeGend Hotel cao nhất lên tới 2 triệu đồng/phòng/đêm. Tuy nhiên, trong danh sách 77 cơ sở được công nhận hạng từ 3 - 5 sao của Hà Nội không có tên 2 khách sạn này.

Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định, tại khu Phố cổ Hà Nội nhiều khách sạn chỉ 1 - 2 sao, nhưng tự phong là 3 sao. “Còn có tình trạng khách sạn không gắn sao ở biển đề tên khách sạn nhưng trên website lại gắn sao. Thậm chí, một số website bán voucher phòng nghỉ giảm đến 50% với tiêu chuẩn 3 sao, nhưng khi sử dụng, người mua rất thất vọng” – ông Đạt cho biết. Tình trạng này ngày càng trở nên nhức nhối ở hầu hết các khu du lịch Việt Nam. Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng loạn “sao” khách sạn này, ông Đạt cho rằng do các cơ quan quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, các trang web đặt phòng online thường chỉ quan tâm đến thỏa thuận về giá và phần chiết khấu chứ chưa có quy định không được quảng cáo sai hạng. Đây cũng chính là biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh cần nhanh chóng dẹp bỏ.

Lãng phí thời gian và công sức

Thực tế cho thấy, với tình trạng lộn xộn hạng sao như hiện nay, ngoại trừ những khách sạn đã có thương hiệu, các công ty du lịch không có cách nào khác là phải khảo sát tận nơi. Bởi lẽ hình ảnh của nhiều khách sạn trên website "đẹp lung linh", nhưng thực tế lại rất xập xệ. Song, đúng như những người làm du lịch phân tích, việc phải tự đi thẩm định này khiến lãng phí về thời gian và công sức. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài, các khách sạn có chủ sở hữu là người Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Bởi thực tế, để yên tâm, rất nhiều khách hàng của TransViet yêu cầu ở khách sạn có thương hiệu của các tập đoàn nước ngoài.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Việc thanh tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước. Minh chứng là trong tháng 6, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ và các sở Du lịch, sở VHTT&DL kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc và thu hồi 6 quyết định công nhận hạng sao đối với cơ sở lưu trú không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra ngành còn mỏng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Siêu khuyến cáo du khách không nên sử dụng dịch vụ của những cơ sở lưu trú chưa phục vụ theo đúng hạng sao được xếp hạng; nếu phát hiện sai phạm hãy lập tức thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý. “Hiện, Luật Du lịch đang trong quá trình sửa đổi. Tổng cục Du lịch đánh giá cao và sẽ tiếp thu các góp ý của DN, cộng đồng… để sửa đổi Luật sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, bao gồm cả vấn đề xếp hạng sao, và quản lý hoạt động của các cơ sở lưu trú trên toàn quốc” – ông Siêu nhấn mạnh.