Nhiều tháng kiên trì điều tra thực địa dọc sông Đáy, chúng tôi chứng kiến những "vết cắt" tàn nhẫn trên dòng sông. Từ bãi rác khổng lồ ngay sát bờ sông đến các nhà xưởng, công trình trái phép mọc lên chễm chệ giữa hành lang thoát lũ, sông Đáy giờ đây như một "bệnh nhân" bị bóp nghẹt, đang dần mất đi sức sống vốn có.
Từng là dòng sông hiền hòa, nguồn sống của bao người dân, nay sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội đang oằn mình dưới sức nặng của rác thải, công trình lấn chiếm. Dòng sông "Mẹ" đang rên xiết, gửi đi tín hiệu báo động đỏ về một thảm họa môi trường nhãn tiền. Sông Đáy, dòng sông đã đi vào thơ ca, nhạc họa, gắn liền với lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân Hà Nội, nay đang phải đối mặt với một thực trạng đáng báo động: ô nhiễm và lấn chiếm tràn lan. Hình ảnh dòng sông hiền hòa, thơ mộng trong ký ức nay chỉ còn là dòng nước đen kịt, ngắc ngoải dưới gánh nặng của rác thải, nhà xưởng. Hành trình dọc theo sông Đáy, đoạn qua các huyện Hoài Đức, Hà Đông, những gì phóng viên ghi nhận được là một bức tranh ảm đạm, xót xa về sự "bức tử" của dòng sông "Mẹ".
Một đêm đầu tháng 4/2024, chuông điện thoại bất ngờ reo lên chói tai khiến tôi choàng tỉnh giấc. Bên kia đầu dây là giọng nói quen thuộc của cậu bạn đại học, hiện đang sống tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. “Có thông tin này hay lắm, ông thích viết phóng sự thì mai về tôi dẫn đi” – giọng nói khàn khàn của cậu bạn làm tôi vô cùng phấn khích.
Đây vốn là một “bạn đọc” trung thành của tôi nói riêng và của Báo Kinh tế & Đô thị nói chung, từng là đầu mối thông tin của tôi trong nhiều đề tài giá trị. Không cần nghĩ nhiều, tôi lập tức đồng ý và ngay sáng sớm hôm sau, khi trời còn tờ mờ tối đã phóng xe đến điểm hẹn.
Từ cầu Mai Lĩnh, nối liền hai phường Đồng Mai và Biên Giang, quận Hà Đông, hành trình "khám phá" nỗi đau của sông Đáy của chúng tôi bắt đầu. Dòng sông uốn lượn, nước đen ngòm, lừ đừ trôi như kiệt quệ sức sống. Hai bên bờ, những nhà xưởng lợp tôn xanh rì mọc lên san sát, lấp ló dưới những rặng tre già xơ xác, như những "vị khách không mời" ngang nhiên xâm chiếm "lãnh thổ" của dòng sông.
Ngay sát trạm bơm Yên Nghĩa, một dãy nhà xưởng khổng lồ án ngữ, kéo dài tít tắp dọc bờ sông. Chất thải đủ loại chất đống, tràn xuống mặt nước, lấn dần dòng chảy, trông như những "khối u di căn" đang ngày đêm gặm nhấm dòng sông. Khu vực này thuộc đường Bờ sông mới, xóm 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức. Men theo con đường Quán Chảy, qua ngõ 29, rồi vào sâu con ngách số 19, một bãi thải khổng lồ hiện ra, nằm ngay sát bờ sông. Bãi thải rộng hàng trăm mét vuông, chất cao như núi, gồm đất, đá, cành cây, túi nilon, rác thải sinh hoạt...
Một người phụ nữ làm vườn gần đó cho biết rác thường được đổ trộm vào ban đêm, bằng xe cơ giới cỡ lớn. "Sáng ra thấy rác ngập ngụa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc," bà nói. Đem những gì ghi nhận được trong quá trình tác nghiệp trao đổi với lãnh đạo xã Đông La, chúng tôi nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: Dãy nhà xưởng đúng là nằm trên hàng lang thoát lũ của sông Đáy nhưng đó lại là “đất ông cha để lại”. Lại là câu chuyện “lịch sử để lại”.
Đây chính là nút thắt khiến chính quyền địa phương loay hoay mãi mà không tìm ra phương án giải quyết. Vận động không ai chịu di dời, nhưng cưỡng chế tháo dỡ không thể làm được vì những nhà xưởng đó đều dựng lên trên phần đất “đã được cấp sổ đỏ”. Chỉ có điều, ai và cơ quan nào đã cấp sổ đỏ cho phần đất hành lang thoát lũ sông Đáy thì chỉ có… trời mới biết.
Rời xã Đông La, chúng tôi quyết định thay đổi lịch trình. Thay vì tiếp tục ngược theo dòng sông Đáy đi về hướng Đông Bắc thì chúng tôi tiếp cận lòng sông từ đại lộ Thăng Long, chạy men theo đường đê đến khu vực cầu sông Đáy, thuộc địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Từ trên cầu, phóng mắt nhìn ra xa, lòng sông Đáy cạn trơ, chỉ còn một dòng chảy nhỏ. Dòng nước đen nhánh lầm lì trôi. Dưới lòng sông trơ cạn đã biến thành những bãi đất trống rộng lớn, cỏ mọc xanh rỉ. Một nhóm trẻ đang tụ tập chơi đùa ngay dưới lòng sông cạn. Theo lời chỉ dẫn của đám trẻ, chúng tôi quẳng xe máy vào bụi, cuốc bộ xuống dưới lòng sông. Xuất phát chưa được bao lâu, thủ phạm “bức tử” sông Đáy dã dẫn hiện ra trước mắt.
Chỉ trong một đoạn sông chưa đầy 100m đã có tới 3 bãi bồi khổng lồ được hình thành từ gạch, đá, chất thải các loại tràn xuống lấp lòng sông. Sự bành trướng của những bãi thải này lớn đến mức, dòng chảy sông Đáy có nơi bị thu hẹp đến quá nửa, nước bị ùn ứ, cố gắng thoát đi một cách khó nhọc. Men theo lối bãi thải, chúng tôi trèo lên trên bờ thì mới nhận ra phía trên các bãi thải này đã biến thành mặt bằng kiên cố tự bao giờ. Một dãy nhà được quây bằng tôn đã nằm chễm trệ trên mặt bằng hình thành từ bãi thải.
Trên dãy nhà treo băng rôn đỏ với dòng chữ “Ban chỉ huy công trường”. Ngay cạnh đó, một bãi thải khổng lồ đã được tập kết sẵn ven đường, ngay sát bờ sông Đáy. Chất thải ở đây chủ yếu là đất, đá, phế thải xây dựng. Tất cả được xếp thành nhiều đống lớn chồng lấn lên nhau, một số chỗ có dấu hiệu được san lấp bằng xe cơ giới cỡ lớn. Trở lại dưới lòng sông đáy, chúng tôi quyết định đi xuôi về phía cầu 72II thì ghi nhận thêm hàng loạt bãi thải đổ xuống lấp lòng sông Đáy. Theo cán bộ địa chính xã Vân Côn, khu đất này được giao và đã được cấp sổ. Còn về tình trạng đổ thải lấn chiếm lòng sông, vị cán bộ này cho biết đã diễn ra từ lâu nhưng… do cây cối che khuất nên không phát hiện ra.
Thừa nhận có tình trạng đổ thải xuống sông, song vị cán bộ địa chính này khẳng định để xử lý dứt điểm tình trạng trên là điều rất khó. Đặc biệt là bài toán kinh phí để thực hiện việc hoàn nguyên cũng như nơi tập kết, xử lý số chất thải sau khi múc đi trả lại nguyên trạng cho dòng sông Đáy. Do đó, theo vị này, cách tốt nhất là "cứ để sông Đáy tự hoàn thổ”, cụ thể là chờ đến mùa mưa bão, khi nước sông lên cao, số chất thải đang “ bức tử” lòng sông Đáy kia sẽ tự khắc trôi đi nơi khác.
Rời xã Vân Côn, chúng tôi quay về điểm hẹn ban đầu trên Đại lộ Thăng Long. Đang định kết thúc hành trình thì cậu bạn bất ngờ chỉ tay về phía bờ sông phía xa, nơi thuộc địa phận xóm Trung, xã Yên Sơn (nay là xã Phượng Sơn sau khi sáp nhập 2 xã Yên Sơn và Phượng Cách – PV), huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Từ trên cầu sông Đáy có thể dễ dàng quan sát thấy nhiều bãi thải lấn sâu ra chân sông Đáy. Thậm chí, có bãi thải đã mọc lên cả công trình kiên cố bằng gạch, dựng mái tôn. Điều kì lạ là vị trí những bãi thải này chỉ cách Đại lộ Thăng Long chừng trăm mét theo đường chim bay, từ trên cầu sông Đáy có thể dễ dàng quan sát thấy rõ mồn một.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND xã thừa nhận có hai điểm đổ đất trái phép xuống chân sông Đáy. Trong đó, một điểm đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố rộng hơn 50m3 bên trên. Lí giải cho sự tồn tại của công trình này, đại diện UBND xã Yên Sơn cho biết đã yêu cầu chủ công trình tháo dỡ một phần nhưng do họ chưa tìm được chỗ ở mới nên việc xử lý cần có lộ trình phù hợp. Theo vị đại diện này, khu vực bãi sông thuộc địa phận Đội 1, thôn Sơn Trung đang tồn tại rất nhiều công trình nhà ở ngay trên hành lang thoát lũ sông Đáy, trong đó có nơi công trình nằm sát chân sông nhưng đây đều là những công trình tồn tại từ rất lâu trước đó nên chưa có phương án xử lý.
(Còn nữa)
09:26 29/12/2024