HPG lập đỉnh mới
Dòng tiền tiếp tục luân chuyển, động lực cho thị trường không hoàn toàn đến từ nhóm vốn hóa lớn. Ngoại trừ VCB, HPG tạo lực kéo đáng kể, thì nhóm cổ phiếu lớn khá nhạt nhòa.
Riêng VCB đóng góp gần 2,5 điểm cho VN-Index, HPG tăng mạnh gần 25% chỉ trong 1 tháng qua. So với hồi đáy tháng 11/2022, tới nay thị giá cổ phiếu HPG đã tăng hơn 2 lần. HPG ghi nhận thanh khoản hơn 851 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn. Khối ngoại cũng giải ngân mạnh vào HPG, mua ròng với giá trị 120 tỷ đồng, cao nhất hôm nay. Đây là phiên thứ 20 liên tiếp, HPG được khối ngoại mua ròng.
Theo công bố mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 13.3% so với tháng trước đạt mức 2.14 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Một số ngành có giao dịch khởi sắc, như bán lẻ với MWG, DGW, PET, HAX, PRT. Nhóm phân bón tiếp tục tăng giá, với sự tích cực của DGC, DCM, DPM, BFC...
Đáng chú ý, nhóm Apec sau phiên hồi phục hôm qua, nay lại giảm sàn hàng loạt. IDJ, APS giảm hết biên độ, còn API giảm 8%. Mới ở phiên hôm qua, nhiều nhà đầu tư còn đánh cuộc, đua lệnh vào nhóm Apec. IDJ và APS hôm qua khớp lệnh tới 15,4 triệu và hơn 9,2 triệu đơn vị, trong khi API thậm chí còn tăng kịch trần lên 7.500 đồng, khớp lệnh hơn 2,6 triệu đơn vị và trắng bên bán.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,62 điểm (0,23%) lên 1.134,62 điểm. HNX-Index giảm 0,92 điểm (0,4%) xuống 227,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (0,14%) xuống 85,41 điểm.
76 cổ phiếu bị cắt margin
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 3/2023, gồm 76 mã chứng khoán.
Danh sách của HoSE công bố gồm những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như ABS, APC, AST, BCE, CIG, DXV, EVG, FDC, GMC, HVN, ITA, LDG, OGC, POM, PPC, PVP, SCD, SJF, TDH, TGG, TTF, VCA, VNL.
Thêm vào đó, nhiều công ty công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2022 là số âm và lợi nhuận sau thuế trên BCTC năm 2022 đã kiểm toán là con số âm, dẫn đến việc nhiều mã cổ phiếu bị cắt margin trong quý 3 như APH, DC4, DTL, HAR, HID, HII, HSG, LEC, MHC, VJC...
Các cổ phiếu như HBC của Xây dựng Hòa Bình, HPX của Hải Phát, IBC của Apax Holdings… đang trong diện hạn chế giao dịch của HoSE cũng không được giao dịch ký quỹ, Tiếp theo, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai và HNG của HAGL Agrico hay cổ phiếu NVL của Novaland cũng tiếp tục bị cắt margin quý 3 do trong diện cảnh báo/kiểm soát của HoSE.
Bên cạnh đó, còn có một loạt chứng chỉ quỹ do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp (FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3) hay chứng chỉ quỹ mới niêm yết như FUEMAVND, FUEFCV50.
Nguyên nhân khác dẫn đến việc cắt margin là do chứng khoán bị đình chỉ giao dịch hay hủy niêm yết như TTB (CTCP Tập đoàn Tiến Bộ), EMC (CTCP Cơ điện Thủ Đức).
Ngoài ra, trong danh sách 76 cổ phiếu bị cắt margin quý III còn có một loạt chứng chỉ quỹ do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong ba tháng liên tiếp, bao gồm FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3, FUEMAVND, FUEFCV50,…
Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 76 cổ phiếu trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3.