Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt địa phương xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng, 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng .

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 1/12/2022, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công, nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022.

Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài vẫn chậm

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% kế hoạch vốn (11.852,2 tỷ đồng). Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06% với (9.014,59 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Đáng chú ý, đến thời điểm 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng, 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng. Đến 30/11/2022 có 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%; 3 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, mặc dù tình hình được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp.

Về nguyên nhân của việc giải ngân thấp, cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; Điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...). Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính.

Đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn 2022

Tại Hội nghị, các bộ, ngành và địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư công đã ý kiến về những vướng mắc, nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Về nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, các đại biểu đề xuất cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan...

Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, cơ quan chủ quản cần chỉ đạo chủ dự án xử lý dứt điểm để hoàn thành khối lượng và giải ngân.

Đối với dự án vẫn đang ở giai đoạn hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, đấu thầu, dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa xong điều chỉnh hiệp định vay, các chủ dự án báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất những thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022. Trường hợp có khả năng hoàn thành các thủ tục để đầu tư, cần tập trung dứt điểm để hoàn thành. Trường hợp không khả thi, đề nghị rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện và kế hoạch vốn trong năm 2023.

Phía Bộ Tài chính cũng đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn 2022. Trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí đủ kế hoạch vốn 2023 để thực hiện dự án.