Loạt doanh nghiệp nhận "trái đắng" vì đầu tư chứng khoán

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ ''khóc ròng'' khi thị trường lao dốc, mà cả những "cá mập" là DN và công ty chứng khoán như Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Tiên Phong hay "nữ hoàng cá tra" Công ty CP Vĩnh Hoàn... cũng ôm lỗ nặng vì chứng khoán.

Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm lỗ mà thị trường đi xuống cũng khiến Chứng khoán Bảo Việt ''khóc ròng'' (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm lỗ mà thị trường đi xuống cũng khiến Chứng khoán Bảo Việt ''khóc ròng'' (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ “tay ngang” ôm lỗ…

Trong giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khoản tiền nhàn rỗi mang đi đầu tư cổ phiếu và ghi nhận lợi nhuận tài chính khá tích cực. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, bối cảnh thị trường tài chính có những rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận tình trạng lợi nhuận “bốc hơi” do đầu tư chứng khoán.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), báo cáo tài chính quý 2/2022 cho thấy đơn vị đầu tư tổng cộng gần 200 tỷ đồng vào cổ phiếu tính theo giá gốc. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn hơn 137 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải dự phòng gần 63 tỷ đồng. Khoản này là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của VHC kỳ này đội lên hơn 3 lần so với quý 2/2021. Trong đó các khoản lỗ lớn đều nằm ở cổ phiếu bất động sản.

VHC dự phòng hơn 23,5 tỷ đồng ở mã NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long. Cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc khiến Vĩnh Hoàn lỗ lần lượt gần 17,3 tỷ đồng và gần 4,2 tỷ. Điều này trái ngược hoàn toàn với khoản lãi 64,5 tỷ đồng và 42 tỷ đồng trong 2 năm 2020 - 2021.

Một doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự đó là Công ty cổ phần Licogi 14 (L14). Theo đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, doanh nghiệp này có doanh thu thuần đạt gần 88 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2021. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại lỗ tới hơn 346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 23 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động tài chính của Licogi 14 bị thua lỗ nặng nề trong khoảng thời gian này. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính của Licogi 14 chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới gần 380 tỷ đồng.

Trong phần thuyết minh, công ty không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ, tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021 cho thấy, Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỷ đồng do nắm giữ cổ phiếu CEO và 91 tỷ đồng với DIG thời điểm 31/12/2021.

Hoạt động đầu tư trên được thực hiện thông qua công ty con - Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14. Nếu vẫn nắm giữ cả 2 cổ phiếu này, khoản đầu tư trên đảo chiều lỗ cũng không có gì lạ, khi quý 2/2022 thị giá cổ phiếu cả DIG và CEO đã giảm tới 60%.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng “khóc ròng”

Không chỉ có các doanh nghiệp “tay ngang”, thời gian qua cũng có không ít công ty chứng khoán lỗ lớn. Trong số những công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, số đơn vị thua lỗ chiếm áp đảo.

Một số công ty chứng khoán lại báo lỗ trong quý 2/2022, như: Chứng khoán Bảo Minh lỗ 165 tỷ đồng; Chứng khoán APG lỗ 106 tỷ đồng; Chứng khoán Thiên Việt lỗ gần 57 tỷ đồng… Nguyên nhân là do sự suy giảm của thị trường, hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán ghi nhận các khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại khoản đầu tư. Doanh thu hoạt động giảm, trong khi chi phí hoạt động tăng. 

Cụ thể, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) báo lỗ sau thuế quý 2/2022 gần 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là bị lỗ từ các tài sản tài chính lên 309,5 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đầu tư của SHS gồm GEX, TCB, PET, PMC, SIP và các cổ phiếu khác, trong đó nhiều mã được đánh giá chênh lệch giảm có GEX, SIP và những mã khác.

Hay Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng trong quý 2/2022. Một trong những nguyên nhân là công ty bán ra danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu bị lỗ lên đến 367,3 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với số lãi khi bán các tài sản trên là 172,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính công bố, Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận doanh thu hoạt động đầu tư trong quý 2/2022 bị âm 20 tỷ đồng, trong khi quý 2/2021 có lãi 143 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần chi phí hoạt động cũng tăng mạnh do đánh giá lại các tài sản chính thông qua lãi lỗ lên gần 270 tỷ đồng. Cộng các yếu tố như doanh thu phí môi giới sụt giảm khiến Rồng Việt báo lỗ quý 2/2022 là 233,8 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm nay bị lỗ 128,7 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đầu tư trong thời gian vừa qua của Rồng Việt có ghi nhận biến động giảm mạnh như DBC, TCB, CTG, HPG, HSG, ACB…

Chung cảnh ôm “trái đắng” vì chứng trường lao dốc, trong quý 2/2022, tính chung hoạt động tự doanh của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt đã bị lỗ gần 23 tỷ đồng, bao gồm cả cổ phiếu lẫn trái phiếu

Không những vậy, thị trường chứng khoán “lao dốc” cũng khiến cho hiệu suất hoạt động của các quỹ đầu tư ghi nhận sự sụt giảm theo thị trường. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS) và Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC) có hiệu suất hoạt động kém hơn thị trường, khi âm lần lượt 22,9% và 22%.

Một số quỹ khác có hiệu suất khả quan hơn thị trường song cũng ghi nhận giảm đáng kể, như quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) của VinaCapital giảm 6,8%; Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam (TBLF) của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI cũng ghi nhận mức sụt giảm 13,33%...

Có thể thấy, thời gian qua là giai đoạn khá gian nan đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, dù có hiệu suất âm nhưng về dài hạn, hầu hết quỹ đầu tư vẫn đánh giá triển vọng tốt cho chứng khoán Việt Nam. Hiện, nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường đã ghi nhận những tín hiệu khả quan và khả năng tăng trưởng trở lại từ nay đến cuối năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần