70 năm giải phóng Thủ đô

Loạt lãnh đạo châu Á tiên phong tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quốc gia châu Á đang đẩy nhanh việc triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca, bất kể loạt quốc gia châu Âu đã đình chỉ do lo ngại về tính an toàn của nó, liên quan đến các báo cáo xuất hiện tình trạng cục máu đông ở một số người được chủng ngừa.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP

Việc đình chỉ vaccine AstraZeneca trong những tuần gần đây của nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả Đức, Pháp và Italia, đã làm dấy lên lo ngại về việc chậm triển khai tiêm chủng có thể làm tổn hại đến cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch. Đặc biệt là giữa bối cảnh các ca nhiễm virus đang gia tăng ở nhiều nơi, áp đảo các hệ thống y tế và làm tổn thương các nền kinh tế.
Tại châu Á, các nhà lãnh đạo một số quốc gia đang tiên phong sử dụng vaccine AstraZeneca để tăng cường niềm tin cho công chúng.
Viện trưởng Hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương mới đây chia sẻ với các phóng viên về trải nghiệm tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca: "Tôi vừa mới tiêm xong, chỗ tiêm không đau và cơ thể cũng không bị đau nhức". Đài Loan đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng vào hôm nay (22/3).
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã trở thành người đầu tiên tại quốc gia này được tiêm chế phẩm của AstraZeneca, sau khi việc triển khai vaccine này đã bị trì hoãn tạm thời do lo ngại về an toàn.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia cũng đã bắt đầu sử dụng vaccine AstraZeneca từ ngày 22/3, sau lệnh đình chỉ vào tuần trước. Tuy nhiên cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia đã cảnh báo không sử dụng nó cho những người bị rối loạn đông máu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, 68 tuổi, cũng đã được lên kế hoạch tiêm vaccine AstraZeneca vào ngày 23/3 tới, sau khi Chính phủ Seoul cho biết chế phẩm có thể được sử dụng cho người lớn tuổi.
Nhiều quốc gia châu Á được cho phụ thuộc rất nhiều vào vaccine AstraZeneca để chấm dứt đại dịch, khi vaccine này đang là trụ cột trong các chương trình tiêm chủng ở Australia, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.
CNA dẫn nguồn tin riêng cho biết, một số quốc gia có thể phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung vaccine của hãng dược Anh - Thụy Điển này.
Chẳng hạn, Ấn Độ - quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất, sau Mỹ và Brazil, đang trì hoãn việc cung cấp vaccine cho một số quốc gia, bao gồm Brazil, Ả Rập Saudi và Maroc, vì nước này phải đối mặt với làn sóng các ca bệnh lần 2.
Australia, quốc gia mới chỉ tiêm chủng 1% dân số cho đến nay, cũng đang tăng tốc chương trình chủng ngừa sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của nước này đã cho phép sản xuất vaccine AstraZeneca kể từ hôm 21/3.