Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt thách thức với tân Thủ tướng Anh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lên nắm quyền trong thời điểm đầy thách thức của nước Anh, giữa những rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, tân Thủ tướng Liz Truss được cử tri đặt rất nhiều kỳ vọng.

Áp lực đè nặng

“Trong số các Thủ tướng thời hậu chiến, mức độ khó khăn của những thách thức mà bà Liz Truss đảm nhận có lẽ chỉ đứng sau thời Margaret Thatcher” - nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ cầm quyền Anh David Davis nhận định với AP.

Tháng 7/2022, lần đầu tiên sau 40 năm, lạm phát ở Anh đã tăng trên 10%. Lạm phát được thúc đẩy bởi chi phí năng lượng và thực phẩm ngày càng tăng do tác động tiêu cực từ cuộc chiến ở Ukraine. Hóa đơn năng lượng trung bình của hộ gia đình đã tăng 54% trong năm nay và được dự báo sẽ còn cao hơn nữa.

Tân Thủ tướng Vương Quốc Anh Liz Truss. Ảnh: Getty Images
Tân Thủ tướng Vương Quốc Anh Liz Truss. Ảnh: Getty Images

Tăng trưởng năng suất lao động đã giảm xuống còn nửa so với thời kỳ đầu những năm 2000, mức lương thực tế giảm, đồng bảng giao dịch ở sát mức kỷ lục, dân số già gây áp lực lên dịch vụ công dù rằng Chính phủ Anh cố gắng hạn chế chi tiêu công sau khoảng thời gian đã phải chi quá nhiều tiền trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất và lạm phát cao nhất trong Nhóm 7 nước giàu (G7) vào năm tới. OECD dự báo kinh tế Anh không tăng trưởng trong năm 2023, và lạm phát sẽ duy trì ở mức 7,4%. Kinh tế Mỹ, trong khi đó, được dự báo tăng trưởng 1,2% và lạm phát ở mức 1,3%, thấp hơn nhiều so với Anh.

Trên thực tế, những khó khăn về kinh tế, đời sống đã tác động lên tầng lớp công nhân, nhân viên nhiều ngành khác nhau, làm phát sinh nhiều cuộc đình công tại Anh trong năm nay. Các lãnh đạo công đoàn đổ lỗi cho Chính phủ vì đã không đáp ứng được yêu cầu của công nhân và không thể phá vỡ thế bế tắc.

Trên mặt trận đối ngoại, cuộc khủng hoảng Ukraine và mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau những căng thẳng về việc thực thi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan tới Bắc Ireland là 2 vấn đề nóng đối với tân Thủ tướng Anh. Đáng chú ý, EU dường như xem bà Liz Truss là một trong những người đã làm cho mối quan hệ rạn nứt giữa Anh và EU trở nên tồi tệ hơn.

Mujtaba Rahman - Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị, cho biết khi Liz Truss trở thành Ngoại trưởng vào năm ngoái, EU từng hy vọng rằng bà có thể chứng minh Anh là đối tác. Nhưng thay vào đó, bà đã thúc đẩy kế hoạch đơn phương viết lại một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit, Nghị định thư Bắc Ireland, khiến các quan chức châu Âu phẫn nộ. “Bà ấy khiến lòng tin đối với mối quan hệ giữa hai bên suy giảm ngay từ ngày đầu tiên” - ông Rahman nói với WSJ.

Nữ Thủ tướng được cho cũng sẽ phải vật lộn để thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Boris Johnson. Ông Johnson hiện vẫn nhận được sự ủng hộ lớn dù bị các thành viên trong nội các của ông quay lưng sau loạt bê bối. Bản thân ông Johnson cũng không phủ nhận khả năng sẽ tái tranh cử và từ chối cho biết ông dự định làm nghị sĩ bao lâu nữa.

Truyền thông Anh thậm chí không loại trừ khả năng ông Johnson sẽ trở lại nếu người kế nhiệm thất bại. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy, một phần lớn công chúng Anh không tin tưởng vào khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của bà Liz Truss. Cuộc thăm dò mới của YouGov cho biết, chỉ 14% hy vọng bà Truss sẽ làm tốt công việc hơn ông Johnson.

Mục tiêu cuối cùng của Đảng Bảo thủ là lãnh đạo mới sẽ phải giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến kết thúc trước tháng 1/2025. Hiện tại, cơ hội Đảng Bảo thủ giành chiến thắng được cho là thấp hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong suốt 12 năm cầm quyền.

Đảng Lao động đối lập đã liên tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, khi họ cam kết hỗ trợ hóa đơn năng lượng của người dân, cũng như tạo ra sự khác biệt bằng cách đánh thuế các công ty năng lượng và người giàu. Để thấy, áp lực chính trị không hề nhỏ sẽ đè nặng lên từng quyết định của Thủ tướng Liz Truss lúc này.

Trussonomics và lời hứa 2024

Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, qua đó trở thành Thủ tướng Anh, bà Truss đã có phát biểu ngắn gọn, đưa ra thông điệp về những định hướng chính cho chính phủ tương lai, trong đó ưu tiên kinh tế hàng đầu là giảm thuế - một động thái mà bà khẳng định sẽ khởi động lại nền kinh tế đang bị đình trệ và hỗ trợ người dân hiện đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Nữ Thủ tướng đã cam kết sẽ đảo ngược chính sách tăng phí bảo hiểm quốc gia gần đây và hủy bỏ việc tăng thuế DN theo lịch trình, với tổng số tiền vào khoảng 30 tỷ bảng/năm. Bà cũng không loại trừ khả năng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đối với các hóa đơn năng lượng.

Bà cũng muốn loại bỏ “thuế xanh” nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt hộ gia đình, đồng thời cam kết cải cách nhằm ngăn tình trạng người dân bị phạt khi nghỉ làm để chăm sóc các thành viên gia đình. Trong thời gian vận động tranh cử, bà Truss từng hứa sẽ mở “ngân sách khẩn cấp” nhằm thúc đẩy cắt giảm thuế nhanh chóng hơn.

Truyền thông đã gọi đề xuất táo bạo về kinh tế của tân Thủ tướng Anh là “Trussonomics” - được cho là phiên bản kinh tế học trọng cung của riêng bà. Kinh tế học trọng cung nhấn mạnh việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế, nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Nhờ đó, có thể nâng cao được tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra áp lực lạm phát. Kinh tế học trọng cung cũng từng là một đặc điểm chính trong các chính sách kinh tế của “Bà Đầm Thép” Thatcher.

Về chính sách đối ngoại, nhiều khả năng nước Anh dưới thời Thủ tướng Liz Truss sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo mới của Anh sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nữa với Nga trong cuộc xung đột này và cả những chính sách với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào hai nước này. Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Truss từng gọi Trung Quốc là “mối đe dọa”, coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” với Anh.

Quan hệ với EU có thể vẫn đóng băng khi bà Truss thể hiện lập trường cứng rắn, đặc biệt là sau tuyên bố: “Nước Anh nên tập trung củng cố quan hệ với Mỹ và Australia hơn là với EU”. Tuy nhiên, với hàng loạt vấn đề khủng hoảng trong nước và cuộc tổng tuyển cử đang chực chờ trước mắt, một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với EU chắc chắn không phải là điều bà Truss mong muốn vào lúc này.

Đáng lưu ý, trong bài phát biểu hôm 5/9, bà Truss đã mạnh mẽ cam kết mang lại chiến thắng lớn cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024, như là một lời khẳng định ngầm rằng sẽ không có một cuộc tổng tuyển cử sớm, trong bối cảnh nhà lãnh đạo mới của nước Anh cần thêm thời gian để có được lòng tin của người dân.